[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , , Tính năng động sáng tạo của ý thức

Tính năng động sáng tạo của ý thức

Ảnh: Minh họa

Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định ý thức của con người là sản phẩm của quá trình phát triển tự nhiên và lịch sử xã hội. Chủ nghĩa duy vật biên chứng cho ý thức là sự phản ánh thế giới khách quan vào bộ não người thông qua hoạt động thực tiễn, nên bản chất ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, là sự phản ánh sáng tạo thế giới vật chất.
Ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Điều đó có nghĩa là nội dung của ý thức là do thế giới khách quan qui định, nhưng ý thức là hình ảnh chủ quan, là hình ảnh tinh thần chứ không phải là hình ảnh vật lý, vật chất như chủ nghĩa duy vật bình thường quan niệm.
Khi nói ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, cũng có nghĩa là ý thức là sự phản ánh tự giác, sáng tạo thế giới.
Tính năng động sáng tạo của ý thức thể hiện ở việc con người thu nhận thông tin, cải biến thông tin trên cơ sở cái đã có, ý thức sẽ tạo ra tri thức mới về vật chất. Ý thức có thể tiên đoán, tiên liệu tương lai, có thể tạo ra những ảo tưởng, những huyền thoại, những giả thiết khoa học. Ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan.
Ý thức là sự phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc con người, song đây là sự phản ánh đặc biệt – phản ánh trong quá trình con người cải tạo thế giới. Quá trình ấy diển ra ở 3 mặt: sự trao đổi thông tin giữa chủ thể và đối tượng phản ánh, mô hình hoá đối tượng trong tư duy hình ảnh tinh thần và chuyển vào mô hình hoá từ tư duy ra hiện thực khách quan hay gọi là hiện thực hoá mô hình tư duy - đây là giai đoạn cải tạo hiện thực khách quan. Chủ nghĩa duy vật biện chứng còn cho rằng ý thức không phải là hiện tượng tự nhiên thuần tuý mà còn gọi là hiện tượng xã hội ý thức bắt nguồn từ thực tiễn lịch sử xã hội, phản ánh những quan hệ xã hội khách quan. Đây chính là bản chất xã hội của ý thức.
Quan điểm Mác xít cho rằng vật chất quyết định ý thức, ý thức là sản phẩm của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ óc của con người. Bộ óc con người cùng với thế giới bên ngoài tác động lên bộ óc – đó là nguồn gốc tự nhiên của ý thức.
Nguồn gốc trực tiếp và quan trọng nhất quyết định sự ra đời và phát triển của ý thức là lao động và thực tiễn của xã hội.
Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức thể hiện mấy quan điểm sau:
Vật chất quyết định ý thức, vật chất quyết định nội dung ý thức. Cả ý thức thông thường và ý thức lý luận đều bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên và xã hội nhất định. Những ước mơ phong tục, tập quán, thói quen nầy nẩy sinh trên những điều kiện vật chất nhất định đó là thực tiễn xã hội – lịch sử. Chủ nghĩa xã hội khoa học cũng dựa trên mảnh đất hiện thực là những tiền đề về kinh tế chính trị xã hội, về khoa học tự nhiên và sự kế thừa tinh hoa tư tưởng, văn hoá nhân loại cùng với thiên tài của Các Mác và Ăngghen.
Do thực tại khách quan luôn luôn biến động vận động nên nhận thức của nó cũng luôn luôn biến đổi theo, nhưng xét đến cùng thì vật chất bao giờ củng quyết định ý thức. Nhưng ý thức đã ra đời thì nó có tác động lại vật chất. Với tính độc lập tương đối của mình ý thức tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người.
Sự tác động trở lại theo hai hướng thúc đẩy hoặc kìm hãm thậm chí phá hoại sự phát triển bình thường của sự vật.
Vai trò của ý thức là ở chỗ nó chỉ đạo hoạt động của con người, hình thành mục tiêu, kế hoạch, ý chí biện pháp hoạt động của từng người. Cho nên trong điều kiện khách quan nhất định ý thức – tư tưởng trở thành nhân tố quan trọng có tác dụng quyết định làm cho con người hoạt động đúng hay sai, thành công hay thất bại.
Liên hệ thực tiễn đối với người làm công tác Dân số - KHHGĐ, cho thấy hiện thực khách quan của công tác Dân số - KHHGĐ là những thách thức, áp lực hiện nay trên địa bàn Nghệ An nói chung và tại địa phương chúng ta nói riêng đang đặt ra. Đó là tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên còn khá cao, bình quân số con trên một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn rất cao (xấp xỉ 2,5 con); Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn đang là báo động đỏ; vấn đề già hóa dân số, vấn đề chất lượng dân số....., Nó phản ánh và tác động trực tiếp một hiện thực khách quan vào bộ óc con người, nhất là bộ óc của người làm công tác Dân số - KHHGĐ tạo thành ý thức trong quá trình công tác. Khi bộ óc của con người (vật chất)  tạo ra ý thức của mình đối với công việc. Khi bộ óc bị hạn chế tiếp nhận tác động của hiện thực khách quan ( bao gồm cả tự nhiên và xã hội) thì ý thức đối với công việc bị hạn chế.
Một viên chức dân số - KHHGĐ hạn chế về tác động của công tác Dân số - KHHGĐ đối với bản thân thì ý thức của họ rất kém đối với công việc, họ sẽ bàng quan trước mọi hiện tượng và sự vật.
Người viên chức Dân số - KHHGĐ thể hiện được vai trò ý thức của mình ở chỗ chỉ đạo được hoạt động của mình, biết hình thành mục tiêu công tác Dân số - KHHGĐ của đơn vị mình cần tổ chức thực hiện là vấn đề gì. Từ đó mới vạch ra được kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết. Như vậy, người viên chức Dân số - KHHGĐ phải thể hiện ý chí, biện pháp, cách thức hoạt động của mình. Trong điều kiện hoàn cảnh khách quan nhất định của mỗi đơn vị, thì ý thức của mỗi viên chức Dân số - KHHGĐ chính là hạt nhân quan trọng, là nhân tố không thể thiếu có tác dụng quyết định làm cho người viên chức hoạt động đúng hay sai. Chẳng hạn, một người viên chức không thể gọi là có ý thức khi nhiều lần không thực hiện được giờ giấc hội họp và làm việc trong một hiện thức khách quan và xã hội ý thức là đại đa số người ta chấp hành tốt. Một con người không thể coi là có ý thức, khi chính bản thân họ đã nhiều lần được lãnh đạo gặp riêng và góp ý, nhưng sự tác động khách quan ấy vẫn không làm thay đổi được ý thức của mình. Một người không thể coi là có ý thức khi hàng tháng nhân tiền lương làm việc mà không tự vấn bản thân mình đã làm được cái gì có ích, ưu điểm hay khuyết điểm đối với công việc.
Một viên chức có ý thức là họ biết vận dụng có tính năng động, sáng tạo áp dụng vào thực tiễn khách quan của đơn vị mình, không "vay mượn" , "cop pết" của người khác. Cái đó không phải là ý thức của mình.
Vì vậy, sức mạnh của ý thức con người không phải ở chỗ tách rời điều kiện vật chất thoát ly điều kiện khách quan mà là biết dựa vào điều kiện vật chất đã có phản ánh đúng qui luật khách quan để cải tạo thế giới một cách chủ động sáng tạo và có hiệu quả. "Ý thức con người không chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn tạo ra thế giới khách quan" - Lênin.
Quốc Bảo - TTDS