[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi



(Dansohungnguyen.com). Chuyển đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, với bao gồm các nội dung cơ sản: Làm mẹ an toàn; Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ); Phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS; Chăm sóc SKSS vị thành niên/ thanh niên;  Bình đẳng giới trong CSSKSSvà thực hiện KHHGĐ; Cân bằng giới tính; Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Chúng tôi sẽ giới thiệu lần lượt các nội dung nói trên, trong phạm vi bài này, nhân dịp sắp đến kỷ niệm ngày Quốc tế người cao tuổi, 01/10/2013; xin giới thiệu nội dung về chuyển đổi hành vi trong Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi :
Ảnh : Minh họa

Theo Pháp lệnh Người cao tuổi quy định thì người cao tuổi là những công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 60 tuổi trở lên.
Pháp lệnh cũng quy định, người cao tuổi được gia đình, Nhà nước và xã hội phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò bản sắc của người cao tuổi. Mọi công dân phải kính trọng và có trách nhiệm giúp đỡ người cao tuổi.
Nhà nước có chính sách phù hợp về chăm sóc sức khoẻ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để người cao tuổi sống khoẻ, sống vui, sống có ích, đồng thời phát huy vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Người cao tuổi là một trong những đối tượng được ưu tiên chăm sóc sức khoẻ.
Khái quát tình hình người cao tuổi
–          Mặc dù tỷ số phụ thuộc của dân số Việt Nam giảm dần trong các năm qua, nước ta đang được hưởng lợi từ “cơ cấu dân số vàng” nhưng số người cao tuổi đang tăng nhanh hơn tỷ lệ tăng dân số chung.
–          Trong cơ cấu dân số theo độ tuổi của nước ta, tỷ trọng người cao tuổi sẽ ngày càng tăng nhanh.
–          Bên cạnh đó, tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên lại càng làm cho số lượng người cao tuổi tăng lên nhanh chóng.
–          Chăm sóc người cao tuổi là vấn đề luôn được Nhà nước ta quan tâm, phù hợp với truyền thống đạo đức của người Việt Nam kính trọng người già, ông bà, cha mẹ.
–          Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, những tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường đang tác động đến những nhóm dân số thiệt thòi trong xã hội, trong đó có nhóm người cao tuổi. Vì vậy, chăm sóc người cao tuổi đang và sẽ là vấn đề cần quan tâm của lĩnh vực Dân số và Y tế.

Đặc điểm của người cao tuổi
Đặc điểm sinh lý người cao tuổi
Cơ thể người cao tuổi luôn diễn ra quá trình già đi và sự cố gắng của các hệ cơ quan bù chức năng để bảo vệ sự tồn tại của cơ thể sống. Những biến đổi lão hoá luôn diễn ra ở các hệ thống của cơ thể, từ đó sẽ tạo ra những đặc điểm chức năng của các hệ cơ quan ở người cao tuổi. Những đặc điểm sinh lý ở người cao tuổi.
• Biến đổi lão hoá ở hệ thần kinh:
Khối lượng não của người cao tuổi giảm dần theo tuổi. Một số tổ chức bị xơ hoá, tạo thành những cấu trúc xơ được gọi là các mảng già. Xơ hoá ở cơ quan cảm thụ làm biến đổi thường gặp nhất là giảm khả năng thụ cảm ở các giác quan, do đó người cao tuổi nhìn mờ đi, nghe kém dần, thậm chí bị điếc...
Các cấu trúc sinap giảm tính dẫn truyền. Hoạt động thần kinh cao cấp giảm tính ức chế, rồi giảm tính hưng phấn. Sự cân bằng giữa hai quá trình đó kém đi, dẫn đến giảm sút hình thành phản xạ có điều kiện. Được biểu hiện ở sự chậm chạp, kém đáp ứng cả về vận động và cảm xúc khi gặp những tình huống gay cấn khẩn cấp, người cao tuổi không thể đi nhanh, làm nhanh, kém thích nghi với thay đổi nơi ở, thay đổi môi trường xã hội.
• Biến đổi lão hoá ở hệ tuần hoàn:
Những biến đổi ở tim mạch khá rõ và nhanh. Khối lượng cơ tim thường giảm. Hệ tuần hoàn nuôi cơ tim giảm. Nhịp tim đập thường chậm hơn lúc còn trẻ. Khi tuổi cao ít nhiều sẽ có tình trạng suy tim tiềm tàng, dễ bộc lộ mỗi khi có gắng sức. Lượng máu được tim đẩy đến các cơ quan giảm dần, làm tuần hoàn máu tại các cơ quan đó cũng bị suy giảm.
Các động mạch bị xơ hoá làm thành mạch máu bị cứng, lắng đọng các mảng vữa xơ nên đường kính động mạch bị hẹp lại, lại càng làm giảm lượng máu đến các mô, nuôi dưỡng các mô bị kém đi, được biểu hiện như da khô, không còn tươi nhuận như khi còn trẻ, cơ bắp cũng nhỏ và nhẽo hơn v.v... Xơ cứng động mạch ở người cao tuổi là rất phổ biến. Huyết áp động mạch có xu hướng tăng dần làm nhiều người cao tuổi bị bệnh cao huyết áp, gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Các tĩnh mạch cũng kém đàn hồi nên giảm trương lực, biểu hiện bằng hay có hiện tượng hở van hoặc giãn tĩnh mạch ở chân v.v...
Tuần hoàn mao mạch của tất cả các bộ phận bị giảm hiệu lực, giảm tính thấm, làm cho sự trao đổi chất giữa máu và các mô bị trở ngại dẫn đến các mô không được cung cấp đủ ôxy và các chất dinh dưỡng, đây chính là nguyên nhân làm lão hoá tổ chức cũng vừa là nguyên nhân thúc đẩy sự lão hoá chung của toàn bộ cơ thể..
• Biến đổi lão hoá ở hệ thận và tiết niệu:
Thận là cơ quan chủ yếu đảm bảo sự thanh lọc các chất cặn bã khỏi cơ thể nên có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo ổn định nội môi. Những biểu hiện của sự lão hoá của thận xuất hiện khá sớm. Từ tuổi 30 trở đi lưới động mạch ở cầu thận thu hẹp lại, cuối cùng làm biến mất một số cầu thận và làm teo các ống thận liên quan. Càng về sau số lượng đơn vị thận càng giảm nhiều, có khi chỉ còn khoảng 1/3 hoặc 1/2 so với lúc mới sinh. Những đơn vị thận mất đi, được thay thế bằng mô liên kết, làm thận bị xơ hoá theo tuổi tác, nên mức lọc cầu thận giảm dần, cuối cùng chỉ còn 50 -60% so với lúc trẻ. Sức cản của thận qua các mạch máu tăng dần theo tuổi, có thể lớn gấp 3 lần so với lúc trẻ.
Sự suy giảm rất dễ biểu hiện khi có sự thay đổi đột xuất trong điều kiện sống, lúc đó dễ dàng trở thành suy thận.
Sự điều hoà thần kinh đối với cơ quan tiết niệu của người cao tuổi bị suy giảm, dẫn đến những vấn đề rất đặc trưng về tiểu tiện như đái ít, mất tự chủ tiểu tiện, đái đêm v.v...
• Biến đổi lão hoá ở hệ tiêu hoá:
Khối lượng dạ dày- ruột giảm đi theo tuổi. Có hiện tượng thu teo ở các cơ quan đó. Cơ thành bụng và các dây chằng giữa các phủ tạng bị suy yếu vì vậy bụng thường sệ xuống, các nội tạng hay bị sa.
Số lượng cũng như hoạt tính của các men tiêu hoá giảm. Nhu động dạ dày và ruột giảm. Khả năng hấp thụ thức ăn và tiêu hoá các chất bị giảm nhiều, biểu hiện là người già ăn không thấy ngon, ăn ít, khó tiêu hoá, dễ bị táo bón hoặc rối loạn tiêu hoá.
Gan thường giảm khối lượng; nhu mô gan có những chỗ teo. Quá trình teo tế bào nhu mô gan đi đôi với quá trình thoái hoá mỡ. Chức năng gan kém dần, nhất là việc chuyển hoá đạm, giải độc, tái tạo.
Thành túi mật và ống mật giảm đàn hồi. Cơ túi mật teo dần. Xơ hoá cơ vòng Oddi dẫn đến rối loạn điều hoà dẫn mật.
• Biến đổi lão hoá ở hệ hô hấp
Biến đổi lão hoá ở phổi là thường gặp và dễ nhận thấy. Lồng ngực thường thay đổi do sụn sườn bị vôi hoá, khớp sườn - đốt sống bị cứng cản trở cử động, các đĩa đệm cột sống bị thoái hoá gây biến dạng lồng ngực ảnh hưởng đến động tác thở. Tế bào biểu mô hình trụ phế quản dầy lên, bong ra; tế bào tiết dịch bị loạn dưỡng, chất nhầy giảm lượng và cô đặc, làm cho việc thông khí bị trở ngại; không khí khó vào đến phế nang và cũng khó đi từ phế nang ra ngoài. Hoạt động lông rung giảm, phổi dễ bị nhiễm khuẩn. Nhu mô phổi giảm đàn hồi, dẫn đến giãn phế nang. Khả năng hấp thu ôxy vào máu động mạch kém, ảnh hưởng đến việc cung cấp ôxy cho các mô, việc này càng thúc đẩy sự lão hoá nhanh của toàn cơ thể.
• Biến đổi lão hoá ở hệ nội tiết
Hoạt động của hệ nội tiết gắn liền với hoạt động của hệ thần kinh nên có tác động qua lại giữa hai hệ này trong quá trình lão hoá. Trong điều hoà mọi chức năng của cơ thể có sự kết hợp chặt chẽ giữa thần kinh và nội tiết, thực hiện một hệ thống điều hoà thần kinh thể dịch. Biến đổi của các tuyến nội tiết trong quá trình lão hoá không đồng đều. Bắt đầu sớm nhất là thoái triển của tuyến ức, sau đó đến tuyến sinh dục, rồi tuyến giáp, tuyến tụy, cuối cùng là tuyến yên và thượng thận.
Biến đổi lão hoá các tuyến nội tiết, đặc biệt là tuyến nội tiết sinh dục (buồng trứng, tinh hoàn) làm thay đổi rất lớn sự cân bằng nội môi, thay đổi nhiều nhất vào thời kỳ mãn sinh dục, dễ dàng nhận thấy nhất là những rối loạn tiền mãn kinh.
Đặc điểm nhân cách ở người cao tuổi
–          Tính ổn định: Người cao tuổi có tính nhất quán trong suy nghĩ, vấn đề này một phần do kinh nghiệm tích luỹ, nếu không hiểu lớp trẻ sẽ cho là cố chấp, bảo thủ.
–          Nhu cầu tinh thần cao: Coi nhẹ vật chất, trong bối cảnh hiện nay có nhiều gia đình có sự tranh chấp quyền lợi vật chất, tác hại làm tổn thương tâm lý tuổi già.
–          Tính tự ti: Do khi về già, vị trí xã hội giảm sút, nên họ có cảm giác tự ti và phó mặc cho số phận.
Đặc điểm nhận thức của người cao tuổi
–          Người cao tuổi đều là những người có nhiều kinh nghiệm trong giao tiếp xã hội, là những chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn.
–          Đa phần người cao tuổi sống có kỷ cương, trọng đạo lý nên có vai trò rất to lớn trong việc giáo dục đạo lý truyền thống cho thế hệ trẻ.
–          Do các đặc điểm sinh lý của tuổi tác nên người cao tuổi đáp ứng chậm với các kích thích bên ngoài. Do đó người cao tuổi rất khó thích nghi hoặc chậm thích nghi với hoàn cảnh mới. Người cao tuổi không thích hợp với cường độ mạnh, tốc độ nhanh. Với nhịp độ cuộc sống công nghiệp hiện nay người cao tuổi ở thành phố là không thích hợp. Người cao tuổi sống ở thành phố hay bị tai nạn và phản xạ chậm không thích ứng với các phương tiện giao thông tốc độ cao.
Đặc điểm tâm lý tình cảm ở người cao tuổi
–          Càng về già những tình cảm lớn thường duy trì và phát triển như nghĩa cả, trách nhiệm, lương tâm, đồng chí, đồng đội.
–          Những tình cảm gắn liền với cuộc sống người cao tuổi càng bền vững như tình cảm yêu quê hương, làng xóm, tình cảm với láng giềng, con cháu, bạn già.
–          Người cao tuổi thường nhớ chuyện xưa, họ sống bằng kỷ niệm thời trai trẻ, nhiều người trầm ngâm, cả nghĩ, luyến tiếc.
–          Người cao tuổi dễ tủi thân, có lúc cáu kỉnh vô cớ, hay hờn dỗi, loại trừ một số người có bệnh lý loạn tâm thần tuổi già nhìn chung tâm lý tình cảm người cao tuổi dễ thay đổi, hiểu được vấn đề này giúp xã hội và cộng đồng cư xử với người cao tuổi  hợp lý hơn.
–          Người cao tuổi hay mặc cảm: lo sợ mình hết vai trò, sợ bản thân là thừa, là ăn bám, là gánh nặng cho con cháu. Một số người lại thấy mất quyền lực (nhất là những người trước đó có chức tước, địa vị trong xã hội ở một số cá nhân có tham quyền cố vị, muốn sống mãi trong hào quang của danh vọng trước kia).
–          Người cao tuổi cảm thấy lực bất tòng tâm, nhiều lúc sinh chán nản, không thiết sống mong được giải thoát.
–          Trạng thái hẫng hụt thường rơi vào những người về hưu, thường họ thấy mất vị trí trong xã hội và gia đình.
–          Thu nhập bị hạn chế, tính quyết định về chủ đạo kinh tế không còn.
–          Khi về hưu phạm vi giao tiếp bị thu hẹp ở một số nơi người về hưu không còn điều kiện sinh hoạt theo một tổ chức như trước: sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thể, chính quyền. Khi có việc hệ trọng trong địa phương người già hay bị quên lãng.
–          Nhiều người cao tuổi có thể hiện bất mãn, không hài lòng với tính năng động của cuộc sống hiện đại. Thái độ không hài lòng là do tính kém thích nghi với điều kiện mới.
Đặc điểm bệnh tật liên quan tuổi già
–          Già không phải là bệnh nhưng già tạo điều kiện cho bệnh phát sinh và phát triển.
–          Bệnh lý tuổi già có tính chất đa bệnh lý, nghĩa là người già thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc.
–          Bệnh ở người cao tuổi ít khi điển hình về triệu chứng, do đó dễ làm sai lạc chẩn đoán, tiên lượng. Bệnh ở người cao tuổi bắt đầu thường không ồ ạt, không rõ rệt, kể cả các triệu chứng chủ quan lẫn khách quan, do vậy phát triển bệnh thường chậm. Có bệnh dễ phát hiện, dễ chẩn đoán, nhưng không ít bệnh kín đáo hơn, âm thầm hơn, có khi nguy hiểm hơn, cần đề phòng bỏ sót.
–          Mặc dù xuất hiện kín đáo, triệu chứng không rõ rệt và tiến triển thầm lặng, bệnh ở người cao tuổi vẫn ảnh hưởng đến toàn thân dẫn đến suy kiệt nhanh chóng, dễ chuyển thành nặng nếu không điều trị đúng hướng kịp thời. Bệnh ở người cao tuổi dễ có diễn biến bất thường khó lường trước.
–          Khả năng hồi phục bệnh ở người cao tuổi  thường kém so với người trẻ tuổi. Do cơ thể vốn đã suy yếu, đồng thời lại mắc nhiều bệnh, trong đó có nhiều bệnh mạn tính, nên cả khi đã qua giai đoạn cấp tính, sức khỏe thường phục hồi rất chậm. Vì vậy điều trị cho người cao tuổi thường phải lâu ngày hơn người trẻ và sau khi điều trị vẫn phải có một giai đoạn điều dưỡng. Việc phục hồi chức năng một cách kiên trì, phù hợp với tâm sinh lý của từng người là rất quan trọng đối với người cao tuổi bị bệnh mạn tính...
Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi
–          Về tim mạch hay gặp suy mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, vữa xơ động mạch. Ngoài ra cũng hay gặp tâm phế mạn, rối loạn nhịp tim và dẫn truyền, suy tim, tắc nghẽn động mạch.
–          Về hô hấp hay gặp viêm phế quản mạn, giãn phế nang, ung thư phế quản – phổi, phế quản phế viêm.
–          Về tiêu hoá hay gặp ung thư gan, xơ gan, viêm đại tràng mạn, viêm túi mật, sỏi mật, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại trạng mạn, ung thư đại trực tràng, táo bón.
–          Về thận tiết niệu, phổ biến là viêm thận mạn, viêm thận bể thận mạn, sỏi tiết niệu, u tiền liệt tuyến, rối loạn tiểu tiện.
–          Về nội tiết chuyển hoá, hay gặp đái tháo đường, suy tuyến giáp, suy sinh dục, rối loạn thời kỳ mãn kinh, tăng cholesterol máu, tăng acid uric máu.
–          Về xương khớp hay gặp loãng xương, thoái hoá khớp, gút, gẫy xương do loãng xương, hội chứng vai tay, bệnh Paget.
–          Về máu và cơ quan tạo máu, phổ biến là thiếu máu do thiếu sắt, hội chứng tăng đông máu, thiếu máu do thiếu acid folic hoặc vitamin B12, bệnh bạch cầu, đa u tuỷ xương. Trong bệnh tự miễn có các loại bệnh có tự kháng thể kháng globulin, tự kháng thể kháng nhân, tự kháng thể đặc hiệu (kháng hồng cầu, kháng giáp, kháng niêm mạc dạ dày).
–          Về mắt hay gặp đục thể thuỷ tinh, thoái hoá võng mạc và mạch mạc, xơ cứng tuần tiến các mạch võng mạc, mù loà do nhiều nguyên nhân.
–          Trong tai mũi họng có giảm thính lực (kiểu giác quan thần kinh hoặc chuyển hoá, cơ học). Rối loạn tiền đình, ung thư xoang hàm, xoang sàng, tai, amidan, u ác tính khoang miệng, viêm khớp thái dương hàm.
–          Trong bệnh ngoài da hay gặp ngứa tuổi già, dầy sừng tuổi già, u tuyến mồ hôi, rụng tóc, tổn thương tiền ung thư và ung thư hắc tố, ung thư biểu mô, teo niêm mạc sinh dục nữ.
–          Về bệnh tâm thần hay gặp loạn tâm thần trước tuổi già, trạng thái trầm cảm, hoang tưởng, sa sút tâm thần, nhất là bệnh Alzheimer. Trong các bệnh về thần kinh hay gặp là rối loạn tuần hoàn não, u não, hội chứng ngoài bó tháp, bệnh Parkinson, bệnh mạch máu tuỷ sống, viêm da dây thần kinh.
Chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng và tập luyện của người cao tuổi
Thực hiện sinh hoạt điều độ, tập luyện vừa sức
• Giữ vệ sinh cá nhân của người già:
–          Đánh răng, rửa mặt hàng ngày vào buổi tối và buổi sáng.
–          Thường xuyên tắm rửa, thay quần áo. Chú ý không tắm gội muộn vào cuối ngày và ban đêm, tắm bằng nước ấm và không dội ngay nước vào gáy và cột sống để cơ thể quen dần, lau khô và giữ ấm ngay sau khi tắm.
• Ngủ nghỉ điều độ:
–          Người già ngủ ít, mỗi ngày nên duy trì giấc ngủ trưa nhưng không quá 1 giờ, ngủ và dậy vào những giờ nhất định. Ngủ sớm và dậy sớm tốt hơn ngủ muộn và dậy muộn. Chỗ ngủ thoáng nhưng phải ấm về mùa đông.
• Nằm ngồi, đi lại cần lưu ý:
–          Không nằm, ngồi chỗ gió lùa hoặc trực tiếp dưới quạt.
–          Khi nằm không kê đầu quá cao, không ngồi dậy đột ngột mà nên xoay dần và nghiêng người để ngồi dạy từ từ theo tư thế nghiêng.
–          Đi lại từ tốn, không vội vã và có vật bám giữ chống đỡ vì người già rất dễ ngã.
–          Đi ra khỏi nhà phải mặc ấm, đội khăn mũ và giữ cho không thay đổi nhiệt độ phòng đột ngột.
–          Tránh thực hiện các động tác quá mạnh đột ngột như quay nhanh đầu ra sau, chuyển đột ngột tư thế nằm sang ngồi hay ngồi đứng dậy.
• Vận động và tập luyện vừa sức cho cơ thể bền bỉ dẻo dai, giúp cho mạch máu lưu thông, ruột vận động tốt, phổi và lồng ngực nở khi hít thở đồng thời phòng thoái hoá khớp và cơ teo nheo.
–          Lựa chọn mức độ vận động và hình thức tập luyện phù hợp với mình.
–          Hình thức tập luyện phù hợp với người già: tập thể dục buổi sáng, bài tập dưỡng sinh ngoài trời, đi bộ, có thể chạy chậm hoặc bơi bể nước ấm...
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người cao tuổi
• Đặc điểm chế độ dinh dưỡng cho người già:
–          Rút bớt năng lượng. Chuyển hoá và hoạt động của người già giảm nên nhu cầu năng lượng cũng giảm. Ăn rút bớt năng lượng để phòng thừa năng lượng dẫn đến thừa cân, béo phì. Ăn bớt cơm, đường, bánh kẹo và đồ giải khát có đường.
–          Rút bớt thịt. Chức năng tiêu hoá, chuyển hoá và đào thải của người già bị suy giảm dần làm kém tiêu hoá chất đạm.Ăn rút thịt để giảm các chất độc do tiêu hoá không đầy đủ. Nên ăn thay bằng cá, đậu phụ, đậu đỗ và sản phẩm từ đậu để phòng bệnh như bệnh gút, vữa xơ động mạch.
–          Hạn chế mỡ động vật. Men phân giải và chuyển hoá mỡ ở người già bị suy giảm làm có xu hướng tăng và thừa mỡ trong máu dẫn đến bệnh vữa xơ động mạch. Cần hạn chế ăn mỡ động vật, thay thế bằng dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng.
–          Tăng thêm rau quả tươi để bổ sung vitamin và các chất khoáng giúp cơ thể tạo ra các chất ôxy hoá là nguyên nhân gây lão hoá. Bổ sung các thức ăn giàu canxi để phòng loãng xương.
–          Uống đủ nước giúp tiêu hoá tốt hơn, tránh khô miệng, phòng táo bón.
–          Ăn nhạt hơn để tránh giữ nước trong cơ thể làm tăng huyết áp. Nên chế biến món ăn nhạt hơn và không ăn các thức quá mặn như mắm các loại. 
• Cách ăn
–          Ăn uống điều độ, ăn làm nhiều bữa nhỏ, không ăn quá no, nhất là bữa ăn tối.
–          Chế biến thức ăn mềm, chú ý có món canh.
–          Thường xuyên đổi món ăn phong phú, chế biến hợp khẩu vị để ăn ngon miệng và dễ tiêu hoá, đầy đủ chất dinh dưỡng.
Khắc phục những khó khăn đó trong sinh hoạt của người cao tuổi
• Rối loạn về nhìn: Viễn thị làm người già phải đeo kính lão, đục thuỷ tinh thể và một số bệnh về mắt làm nhìn mờ thậm chí bị mù loà. Để nhìn tốt hơn cần đeo kính điều chỉnh phù hợp riêng cho mắt mình do thầy thuốc chuyên khoa mắt chỉ định.
• Rối loạn về nghe: Biến đổi lão hoá ở tai làm người già nghe kém, thậm chí bị điếc. Khi nói chuyện, để nghe rõ người già nên đối mặt trực diện với người khác, vặn nhỏ hoặc tắt loa đài, ti vi, không nên nói chuyện ở nơi đông người và có tiếng ồn.
• Rối loạn răng miệng: Răng rụng nên người già phải dùng răng giả, miệng khô và điều hoà nuốt kém nên người già dễ bị nghẹn, giảm cảm giác mùi vị làm người già ăn kém ngon miệng. Cần thực hiện vệ sinh hàng ngày răng miệng và răng giả, chế biến thức ăn mềm nhừ dễ nhai nhưng cần kết hợp cả thức ăn nhuyễn và thức ăn cần nhai để tập luyện răng lợi. Uống nước đều đặn để khỏi bị khô miệng, đặc biệt nhớ uống một ít nước trước khi ăn để hạn chế bị nghẹn khi nuốt.
• Khớp thoái hoá làm người già bị đau khớp và đi lại khó khăn. Cần duy trì tập luyện và phục hồi chức năng khớp, tránh để khớp cố định hay bất động trừ khi viêm cấp để hạn chế thoái hoá khớp.
• Chức năng điều tiết thăng bằng bị suy giảm làm người già dễ ngã. Cần thực hiện nhiều cách để đề phòng bị ngã: đi lại từ tốn; sử dụng các dụng cụ nâng đỡ đi lại như gậy, cây chống, tay vịn khi đi lại; sắp xếp đồ đạc trong nhà ngăn nắp; chống trơn trượt sàn nhà và phòng vệ sinh...
Rèn luyện tinh thần, vui hưởng tuổi già 
• Người cao tuổi cần làm để tự chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho mình:
–          Tự hiểu biết tâm lý tình cảm của mình: tự suy xét và vui lòng chấp nhận những việc vui buồn ngoài ý muốn sắp xảy ra, tự kiềm chế lo âu, căng thẳng hoặc buồn vui quá mức.
–          Xây dựng chế độ sinh hoạt thể chất và tinh thần điều độ, phối hợp hoạt động trí óc như đọc sách, viết sách với tập luyện thể lực vừa sức như thể dục buổi sáng, tập dưỡng sinh, khí công ...
–          Tạo niềm vui trong cuộc sống bằng cách tham gia các hoạt động xã hội như nghe các buổi nói chuyện thời sự, các hội bình thơ, hội văn hoá văn nghệ tại địa phương và làm những công việc đóng góp cho xã hội như truyền nghề, giảng dạy, dịch sách, viết sách ...
–          Xây dựng tốt mối giao lưu giữa các thế hệ để người già không bị cô đơn, người trẻ học hỏi được kinh nghiệm từ người già.
• Người trong gia đình và cộng đồng quan tâm giao tiếp chăm sóc tâm lý
–          Hiểu biết tâm lý của người cao tuổi để định hướng cho các hành vi khi chăm sóc người cao tuổi.
–          Coi trọng phục vụ tâm lý người cao tuổi. Kính trọng và thân thiết khi phục vụ người cao tuổi.
Phòng bệnh thường gặp ở người cao tuổi
• Các bệnh thường gặp ở người già: 
–          Cao huyết áp.
–          Bệnh phổi mạn tính thường gặp nhất là viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, viêm phổi tuổi già, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
–          Thoái hoá khớp và loãng xương.
–          Đái tháo đường.
–          Tai biến mạch máu não.
• Cách phòng bệnh và hạn chế biến chứng của bệnh:
–          Thường xuyên theo dõi sức khoẻ và khám sức khoẻ định kỳ để được phát hiện sớm bệnh tật và chữa trị kịp thời.
–          Đo huyết áp thường xuyên.
–          Vận động, tập luyện và phục hồi chức năng các khớp để phòng và giảm thoái hoá khớp.
–          Thực hiện đúng hướng dẫn của thầy thuốc về chế độ ăn uống, chế độ tập luyện và dùng thuốc chữa bệnh.
–          Thực hiện đúng lịch khám lại để được điều trị đầy đủ, phát hiện sớm các biến chứng và điều trị kịp thời các biến chứng.

–          Người già cần được gia đình chăm sóc tại nhà và cán bộ y tế chăm sóc chuyên môn tại cơ sở y tế. Người chăm sóc cần được hướng dẫn chăm sóc đúng cách, toàn diện cả về vệ sinh, dinh dưỡng và tinh thần để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người già bị bệnh./.
KIM BẢNG ( Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện)