[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Chăm sóc SKSS Vị thành niên (P2)

Chăm sóc SKSS Vị thành niên (P2)



(Dansohungnguyen.com). Chuyển đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, với bao gồm các nội dung cơ sản: Làm mẹ an toàn; Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ); Phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS; Chăm sóc SKSS vị thành niên/ thanh niên;  Bình đẳng giới trong CSSKSSvà thực hiện KHHGĐ; Cân bằng giới tính; Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
  Chúng tôi sẽ giới thiệu lần lượt các nội dung nói trên, trong phạm vi bài nay xin giới thiệu tiếp nội dung về chuyển đổi hành vi trong Chăm sóc SKSS vị thành niên/ thanh niên ( phần 2):

Lạm dụng tình dục/ xâm hại tình dục:
Xâm hại tình dục là gì?
Xẩy ra khi một người sử dụng quyền lực và sức mạnh, có thể cả tiền bạc và vật chất của mình để lợi dụng, ép buộc, dụ dỗ, lừa gạt vị thành niên tham gia vào hoạt động tình dục để thoả mãn nhu cầu tình dục của mình, và vì mục đích kiếm lời. Xâm hại tình dục không chỉ xẩy ra đối với các bạn gái mà còn xảy ra đối với các bạn trai.
Những hành vi nào là xâm hại tình dục?
Xâm hại tình dục có nhiều hình thức và biểu hiện khác nhau. Có kẻ dụ dỗ, cho các bạn xem tranh ảnh sách báo, phim đồi truỵ, vuốt ve, sờ mó, hôn hít vào bộ phận kín trên cơ thể các bạn. Có kẻ cố tình phô bày những bộ phận kín của cơ thể trước mặt hoặc bắt các bạn sờ mó vào bộ phận sinh dục của họ.
Kẻ xâm hại tình dục thường có những thủ đoạn nào?
Kẻ xâm hại tình dục có rất nhiều thủ đoạn tinh vi như: lợi dụng sự quen biết và tình cảm thân mật để dụ dỗ; cho đi nhờ xe hoặc giúp đỡ làm việc gì đó mà các bạn đang gặp khó khăn; có thể doạ dẫm hoặc đe doạ, khống chế; lợi dụng chỗ vắng vẻ và mối quan hệ để tạo lòng tin; Uy hiếp.
Khi nào, ở đâu Vị thành niên dễ bị xâm hại nhất?
Kẻ xâm hại tình dục thường hành động khi các bạn chỉ có một mình ở những nơi vắng vẻ không có người xung quanh hay ít người qua lại, ở những nơi tối tăm thiếu ánh sáng. Thậm chí cũng có khi chúng còn hành động ở những nơi đông đúc khi mọi người đang mải mua bán hoặc vui chơi hoặc ở những nơi thường tụ tập uống bia rượu.
Vì sao Vị thành niên cần bảo vệ mình tránh bị xâm hại tình dục?
Bởi vì việc bị xâm hại tình dục xẩy ra đối với các bạn thường bất ngờ, trong khi bố mẹ và người lớn lại không thể luôn luôn ở bên cạnh để bảo vệ . Hơn nữa, xâm hại tình dục thường để lại hậu quả rất nặng nề không chỉ đối với sức khoẻ thể chất mà còn tác động xấu đến tinh thần và tương lai. Khi bị xâm hại tình dục các bạn gái rất có thể bị bệnh lây qua đường tình dục và có thể có thai ngoài ý muốn. Chính vì vậy các bạn cần bảo vệ mình tránh bị xâm hại tình dục.
Các bạn nên làm gì để tránh bị xâm hại tình dục?
- Các bạn hãy luôn làm chủ cơ thể của mình, bởi vì cơ thể các bạn là của bản thân các bạn, không ai có quyền tuỳ tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín của cơ thể hoặc có bất kỳ hành động thô lỗ nào đối với các bạn.
- Tin vào linh tính của mình khi cảm thấy có điều gì đó không bình thường có thể xảy ra dù chưa biết linh tính đó có chính xác hay không; cũng cần cảnh giác và chủ động nghĩ cách phòng tránh để thoát ra khỏi tình huống đó nếu nó xảy ra.
- Tránh xa những nơi không an toàn như những nơi tối tăm, vắng vẻ ít người qua lại, những nơi không quen biết hoặc những nơi đông người tụ tập uống rượụ bia... Không nên ăn mặc hở hang và gần gũi quá mức với người khác giới.
- Hãy kiên kiết nói “Không” khi gặp những tình huống mà các bạn cảm thấy không bình thường có thể nguy hại cho mình như: bị dụ dỗ vào những nơi tối tăm vắng vẻ, vào phòng kín một mình với người lạ, được cho tiền quà hoặc sự giúp đỡ đặc biệt mà không rõ lý do, đi đến những nơi xa lạ... các em nên từ chối và kiên quyết nói “Không” để tự bảo vệ cho mình.
Vị thành niên cần làm gì khi bị xâm hại tình dục?
- Hãy bình tĩnh tìm cách trì hoãn các hành vi xấu, kêu to cho mọi người biết, tìm cách tự vệ để trốn thoát.
- Hãy nói cho người mình tin cậy biết đừng giữ kín những chuyện đã xảy ra, đừng sợ hãi những lời đe doạ vì chỉ có ít người xấu mới muốn làm hại các em còn đa số ai cũng yêu quí chăm lo và sẵn sàng bảo vệ các em.
Vị thành niên nên nhờ sự giúp đỡ của ai khi bị xâm hại tình dục?
Khi bị xâm hại, các bạn đừng giấu giếm và ngại ngần mà cần nhanh chóng tìm gặp cha mẹ, người lớn trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè hay bất cứ người nào mà các em tin tưởng để kể lại và nhờ họ giúp đỡ, bảo vệ mình và trừng phạt kẻ có tội. Đồng thời các bạn và gia đình có thể đến các địa chỉ sau để nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và các đoàn thể xã hội như: Trụ sở công an gần nhất , Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Ngành Lao động – Thương binh – Xã hội, Uỷ Ban nhân dân xã/phường.
Vai trò và trách nhiệm của nam thanh niên trong tình dục an toàn và tránh thai ngoài ý muốn:
- Chia sẻ các thông tin/kiến thức về SKSS/SKTD với bạn gái,
- Giữ gìn tình bạn khác giới, tình yêu lành mạnh,
- Thực hiện tình dục an toàn, sử dụng đúng cách BCS,
- Chủ động đến các địa chỉ tin cậy, các cơ sở tư vấn, góc thân thiện dành cho vị thành niên khi bạn gái xảy ra “sự cố” mang thai ngoài ý muốn.
Kỹ năng sống cho Vị thành niên:
Kỹ năng sống được hiểu như là khả năng tâm lý xã hội của mỗi cá nhân có thể có được trong việc giải quyết các đòi hỏi và ứng phó một cách tích cực với thử thách của cuộc sống hàng ngày. Nói một cách khác, nó còn là khả năng của mỗi cá nhân để duy trì một trạng thái tinh thần khoẻ mạnh và thể hiện trong hành vi thích nghi và tích cực của cuộc sống thường nhật.
Kỹ năng sống vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội. Cá nhân là mỗi người tự đặt ra cho mình các giá trị, niềm tin để quyết định hành động theo những mục tiêu mà mình đặt ra. tuy nhiên những mục tiêu đó phần lớn lại chịu ảnh hưởng của nền văn hoá, phong tục tập quán, của những chuẩn mực đạo đức của cộng đồng mà người đó đang sống.
Kỹ năng sống rất cần thiết với vị thành niên để các em có thể ứng xử tự tin, chủ động và hoàn thiện hành vi của bản thân mình trong giao tiếp và giải quyết vấn đề với mọi người và cộng đồng.
Kỹ năng sống là khả năng ứng xử theo những cách nhất định trong một môi trường cụ thể phù hợp với hoàn cảnh về kinh tế, xã hội và văn hoá mà người ta đang sống.
Ngày nay với sự thay đổi về nền kinh tế văn hoá và lối sống, nhiều thanh niên không có đủ tri thức trong lĩnh vực này. Họ thiếu sự hỗ trợ cần thiết để tăng cường và xây dựng các kỹ năng sống cơ bản hoặc chưa có cơ hội thực hành các kỹ năng sống. Vì vậy nếu không đáp ứng kịp thời những đòi hỏi ngày càng tăng của xã hội thì nó có thể gây ra những tổn hại về mặt thể chất và tinh thần cho sức khoẻ.
Kỹ năng sống có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao sức khoẻ của con người.
Chính vì những lý do như vậy nên việc giáo dục nhằm giúp cho vị thành niên phát triển kỹ năng sống là điều hết sức cần thiết để giúp các em giữ gìn an toàn cho bản thân, sống có trách nhiệm, tự tin và có tinh thần độc lập khi trưởng thành.
Một số thắc mắc thường gặp ở tuổi Vị thành niên :
Tuổi vị thành niên là giai đoạn đẹp đẽ nhất trong cuộc đời mỗi người, nhiều mộng mơ niềm vui trong học tập và cuộc sống. Nhưng trước những thay đổi và tác động của đời sống, kinh tế, xã hội đòi hỏi tuổi kết hôn, sinh đẻ lần đầu của phụ nữ cao hơn, trong khi đó tuổi dậy thì của các em có xu hướng ngày càng sớm hơn, vì vậy quãng thời gian từ khi có ham muốn tình dục, có khả năng sinh sản đến khi có những hoạt động tình dục được gia đình, xã hội chấp nhận dài hơn. Mặt khác kiến thức về tâm sinh lý tuổi dậy thì, quá trình thụ thai, thực hiện tình dục an toàn, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS của các em... còn rất hạn chế; Chính vì vậy các em đang phải đối mặt với bao khó khăn thách thức trong cuộc sống, đặc biệt trong lĩnh vực sức khoẻ sinh sản.
Có thể kể ra một số lĩnh vực đang là thách thức đối với vị thành niên, đó là:
-  Những lo lắng về thay đổi cơ thể và tâm lý.
-  Tình huống lo lắng về thay đổi tâm lý.
-  Bối rối trước những cảm xúc nảy sinh từ tình bạn khác giới.
-  Băn khoăn trước câu hỏi: ‘Có phải tình yêu luôn đi cùng với tình dục không!”.
-  Nguy cơ xâm hại tình dục.
-  Lo lắng không biết mình có bị mang thai hay không, và làm thế nào để phòng tránh.
-  Nguy cơ nhiễm bệnh lây qua đường tình dục và HIV/AIDS.
-  Bị ép lấy vợ, lấy chồng sớm (Tảo hôn).
Những thách trên là căn cứ cho cán bộ Đoàn, tuyên truyền viên lựa chọn và cung cấp kiến thức về sức khoẻ sinh sản cũng như hỗ trợ kỹ năng sống để các em nhận biết, chủ động giải quyết những tình huống thường gặp trong cuộc sống.
Cách vận dụng kỹ năng sống để giải quyết các tình huống Vị thành niên thường gặp:
Mục đích của giáo dục kỹ năng sống về sức khoẻ sinh sản vị thành niên là nhằm giúp các em vận dụng kiến thức về sức khoẻ sinh sản và kỹ năng sống đã được hỗ trợ để ứng phó một cách tích cực, vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, học tập và làm việc. Để thực hiện được mục đích đó, nên thực hiện các bước sau:
Bước 1. Phân nhóm đối tượng:
Phân nhóm đối tượng là việc làm cần thiết, vì mỗi nhóm đối tượng có đặc tính riêng, nhu cầu khác nhau, những thách thức khó khăn về sức khoẻ sinh sản không giống nhau, cách tiếp cận từng nhóm cũng khác nhau.
Việc phân nhóm có thể dựa vào các yếu tố sau:
+ Tuổi: giai đoạn đầu, giữa và cuối tuổi vị thành niên.
+ Giới tính: nam/ nữ.
+ Trong/ ngoài trường học.
+ Thành thị/ nông thôn…
Bước 2: Khảo sát, thu thập thông tin đối tượng.
- Nội dung khảo sát:
+ Nhận thức của đối tượng về sức khoẻ sinh sản vị thành niên;
+ Hiểu biết và kỹ năng sống;
+ Những khó khăn đối tượng đang gặp phải về SKSS, cách giải quyết.
- Phương pháp khảo sát:
+ Quan sát, lắng nghe;
+ Điều tra xã hội học thông qua bảng hỏi;
+ Thảo luận nhóm nhỏ.
Đây là bước rất quan trọng để chúng ta biết được các em còn thiếu kiến thức gì, kỹ năng gì? Mong muốn điều gì? Từ đó có thể xác địng được nội dung và cách tiếp cận phù hợp với đối tượng.
Bước 3. Lựa chọn, xác định nội dung:
Thực chất của bước này là vận dụng kiến thức để trả lời những câu hỏi:
- Kiến thức: Những chủ đề, thông tin, thông điệp nào về SKSS vị thành niên mà đối tượng cần được cung cấp để vận dụng giải quyết những khó khăn đang gặp phải.
- Kỹ năng: Những kỹ năng nào cần được trang bị cho đối tượng để vận dụng ứng xử hợp lý trước những khó khăn đang gặp phải.
Bước 4. Xây dựng tình huống:
Căn cứ kết quả của bước 2, 3 để tiến hành:
- Xây dựng những tình huống cụ thể,
- Xây dựng hệ thống câu hỏi để dẫn dắt đối tượng, thể hiện nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử đối với trong từng tình huống.
- Gợi ý hướng giải quyết, cách ứng xử hợp lý, tích cực, hiệu quả.
- Xác định những thông điệp về SKSS, kỹ năng cần có để vận dụng giải quyết tình huống, giúp cho đối tượng ghi nhớ.
Cần lưu ý:
- Các tình huống có thể do tuyên truyền viên, giáo dục viên đồng đẳng nêu ra, hoặc biên tập dựa trên các câu chuyện do đối tượng kể lại, những sự việc đã gặp hoặc trải qua.
- Tình huống đưa ra cần phải đạt được các yêu cầu sau đây:
+ Nội dung thực tế, điển hình phù hợp với những vấn đề, những khó khăn, thách thức về SKSS của vị thành niên
+ Hình thức thể hiện phù hợp với tâm lý. ngôn ngữ của đối tượng; ngắn gon, súc tích, dễ hiểu.
Bước 5. Lựa chọn phương pháp, hình thức giáo dục thích hợp.
- Căn cứ vào nhóm đối tượng, nội dung tình huống cụ thể để lựa chọn hình thức giáo dục. Các phương pháp như: thảo luận nhóm, hay sắm vai, động não, kể chuyện, thi… là những hình thức giáo dục thích hợp cho lĩnh vực này. Có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều hình thức giáo dục trong một buổi hoạt động.
- Phương pháp giáo dục kỹ năng sống về SKSS VTN có hiệu quả là phương pháp cùng tham gia, vì phương pháp này tạo cơ hội cho đối tượng nói ra những điều đang suy nghĩ, cùng nhau chia sẻ những băn khoăn, kinh nghiệm của bản thân, cùng nhận thức và hình thành kỹ năng giải quyết, ứng phó trước những khó khăn, thách thức cụ thể thường gặp trong cuộc sống về sức khoẻ sinh sản. Sự thành công của một hoạt động phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần hăng hái, tích cực tham gia của mỗi thành viên trong nhóm.
Bước 6. Tổ chức hoạt động giáo dục:
- Một chương trình hoạt động đạt hiệu quả chỉ nên tập trung vào một chủ đề, giải quyết một loại tình huống (VD: Chủ đề: Sự phát triển tâm lý tuổi dậy thì, tình bạn, tình bạn khác giới; Tình huống: Bối rối trước những cảm xúc nảy sinh từ tình bạn khác giới). Thời gian phù hợp cho một chương trình hoạt động khoảng từ 60 – 90 phút.
- Địa điểm tổ chức cần được chuẩn bị chu đáo, nên sắp xếp chỗ ngồi theo hình vòng cung hoặc chữ U để mọi thành viên có thể quan sát, nghe được trong quá trình thảo luận. Địa điểm cần thuận lợi cho hoạt động nhóm để mọi người có thể tham gia các trò chơi, sắm vai, văn nghệ… Số lượng người tham gia không nên quá ít hoặc quá đông, nên từ 20 đến 25 người.
Chương trình giáo dục kiến thức kỹ năng sống về SKSS nên như sau:
+ Chào đón các thành viên
+ Khởi động bằng các trò chơi hoặc văn nghệ
+ Tuyên bố lý do, nêu mục tiêu của buổi hoạt động nhóm
+ Giới thiệu chủ đề sức khoẻ sinh sản và cung cấp thông tin, kiến thức liên quan tới chủ đề
+ Nêu bài tập tình huống
+ Chia nhóm thảo luận, vận dụng kiến thức sức khoẻ sinh sản để phân tích tình huống, nêu cách ứng xử, giải quyết tình huống, sắm vai…
+ Các nhóm trình bày ý kiến thảo luận nhóm hoặc sắm vai thể hiện cách ứng xử mà nhóm mình lựa chọn trước nhóm lớn.
Bình luận: Sau trình bày của các nhóm, người hướng dẫn đặt ra câu hỏi cho toàn nhóm lớn thảo luận:
Phân tích các điểm tích cực và hạn chế của mỗi cách ứng xử
Xác định cách ứng xử hợp lý nhất, tích cực nhất, có lợi cho sức khoẻ sinh sản của vị thành niên.
Kết luận: Người hướng dẫn tóm tắt các ý kiến thảo luận và cần:
+ Nhấn mạnh cách ứng xử hợp lý nhất đối với tình huống cụ thể.
+ Nhấn mạnh thông điệp SKSS cần vận dụng ứng xử trong tình huống cụ thể.
+ Nêu loại kỹ năng cần có để VTN ứng xử trong tình huống cụ thể?
+ Khuyến khích các thành viên suy nghĩ, lựa chọn cách giải quyết, cách ứng xử phù hợp nếu gặp phải những tình huống tương tự./.

KIM BẢNG (Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện)