[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Kỷ niệm 22 năm ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10/1991 – 1/10/2013)

Kỷ niệm 22 năm ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10/1991 – 1/10/2013)


           
Ngay từ thời xa xưa biên niên sử cổ, trung, đại Việt Nam đã ghi lại được khoảng 10 chính sách cụ thể của Nhà nước ưu đãi người cao tuổi và hàng trăm quy định, quy ước khác nhau về “trọng lão”, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Trong nền kinh tế đất nước hiện nay đã có nhiều văn bản pháp quy liên quan đến người cao tuổi, đó là Hiến pháp 1992 tại điều 67, chương 5 về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đã đề cập đến sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với người già không nơi nương tựa.
Bộ luật Lao động đã dành hẳn mục II trong chương 9 để quy định về lao động của người cao tuổi. Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân tại chương 7 đã thể hiện nội dung bảo vệ sức khỏe đối với người cao tuổi. Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” ngày 29/8/1994; Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng ngày 29/8/1998; Chỉ thị 117/TTg ngày 27/2/1996 của Thủ  tướng Chính phủ về chăm sóc người cao tuổi và hỗ trợ hoạt động cho Hội người cao tuổi Việt Nam; Quyết định 176/TTg ngày 8/4/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số chế độ đối với các đối tượng cứu trợ xã hội; Quyết định 121/TTg ngày 30/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức hoạt động Năm Quốc tế người cao tuổi. Ngoài ra các đạo luật lớn được ban hành trong thời gian qua: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình... đều có những nội dung liên quan đến người cao tuổi.

Nước ta là một nước đang phát triển, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh so với tỷ lệ chung. Theo số liệu của Hội Người cao tuổi Việt Nam, năm 1989 nước ta có 4,6 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 7,2%. Năm 1995, có 5,5 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 11%. Theo dự đoán năm 2020 sẽ tăng lên là 12,3 triệu người.
Người cao tuổi của nước ta hiện nay là lớp người sinh ra trước những năm 40 của thế kỷ này, là lớp người đã tham gia hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc, có nhiều hy sinh, cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng đất nước, nhiều người là anh hùng, là cha mẹ của các liệt sĩ, thương binh, trong đó có hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang sống với con cháu.
           Các thế hệ người cao tuổi Việt Nam đã nêu nhiều tấm gương sáng cả trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc lẫn trong giai đoạn hòa bình xây dựng đất nước, tiếp tục phát huy truyền thống sẵn có, với khí thế đầy tin tưởng ở công cuộc đổi mới hiện nay đang được thực hiện mạnh mẽ trên các lĩnh vực của cả nước. Ở lĩnh vực kinh tế, sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức khoa học công nghệ hiện đại với kinh nghiệm thực tế của các lão nông, công nhân cao tuổi lành nghề, các thợ thủ công gia truyền với bàn tay vàng... đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân. Đối với lĩnh vực văn hóa xã hội, người cao tuổi cũng đã đóng góp xứng đáng trong nghiên cứu khoa học, văn học nghệ thuật, từng bước xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
           Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước ta càng rất quan tâm đến người cao tuổi. Tổ chức Hội Người cao tuổi có từ cấp cơ sở đến Trung ương, có nguyên tắc tổ chức, nội dung phương hướng hoạt động rõ ràng. Để động viên sự đóng góp của người cao tuổi vào công cuộc phát triển đất nước, hàng năm Nhà nước lấy ngày 1-10 là ngày của Người cao tuổi để các cấp chính quyền, các đoàn thể xã hội và người thân trong gia đình có thời gian quan tâm chăm sóc người cao tuổi. Đây là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với người cao tuổi, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy những truyền thống tốt đẹp nâng cao lợi ích cho xã hội.

Minh Tâm
( Nguồn: camranh.khanhhoa.gov.vn)