[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , "8 không": Bí quyết dạy trẻ vâng lời!

"8 không": Bí quyết dạy trẻ vâng lời!



(Dansohungnguyen.com) Trẻ ngoan hay hư, người ta không đánh giá về ý thức của trẻ, mà đòi hỏi trách nhiệm của người lớn. Nhân dịp Tết Trung thu năm 2013, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Hưng Nguyên xin giới thiệu "8 không": Bí quyết dạy trẻ vâng lời để các bậc bố mẹ và người lớn tham khảo

Đau đầu vì con quá bướng. Lúng túng vì sự thay đổi tâm sinh lý đến chóng mặt của trẻ. Hoang mang khi con không tôn trọng, vâng lời người lớn. Làm thế nào để dạy trẻ vâng lời, sống có trách nhiệm là mối quan tâm đặc biệt của rất nhiều bậc cha mẹ.

Trong thời đại thông tin đại chúng bùng nổ, kiến thức “trăm thứ bà rằn” giống như nồi lẩu thập cẩm đa sắc, đa mùi, nếu không biết chọn lọc, giống như lạc vào mê trận, khó mà phân biệt đúng sai. Khi trẻ tiếp xúc với văn hóa lành mạnh, được định hướng, sẽ trở nên năng động, thông minh, biết ứng biến linh hoạt với mọi thử thách, ngược lại trẻ la cà với game bạo lực, web đen sẽ trở nên hung hăng, bỏ bê học hành, đua đòi thói hư tật xấu, thậm chí phạm tội…

Trẻ ngoan hay hư, người ta không đánh giá về ý thức của trẻ, mà đòi hỏi trách nhiệm của người lớn. Vì lẽ đó, dạy trẻ ngoan ngoãn, sống có nguyên tắc, trách nhiệm là việc người lớn phải làm, ngay từ khi trẻ mới chập chững biết nói, bi bô những tiếng đầu đời. Dạy trẻ “thành người” giống như kiên trì theo đuổi một môn nghệ thuật phức tạp vậy…
Cách "dạy" con không chấp nhận được- Ảnh: Minh họa
Các bố mẹ hãy tưởng tượng mình là một chiếc gương cho trẻ soi vào mọi lúc, mọi nơi, gương có sáng mới đáng để trẻ soi vào, học tập, làm theo. “8 không” sau đây, giống như bí quyết dạy trẻ biết vâng lời:

- Không bao bọc trẻ quá mức: Dù trẻ còn nhỏ, cũng nên tạo cho trẻ sớm biết tự lập, không quá xót xa trẻ mà bao bọc quá mức, ví dụ khi trẻ ngã thay vì lao ngay đến bế, xuýt xoa thương hại, hãy động viên trẻ đứng dậy, lý giải cho trẻ hiểu tại sao trẻ ngã, lần sau trẻ có thể tránh được bị ngã, hoặc có ngã trẻ cũng không khóc.
Tổ chức vui Tết Trung Thu cho trẻ em là điều cần thiết. Ảnh: Minh họa
- Không nói suông: Bạn bắt trẻ đi ngủ sớm, ngừng xem ti vi, trong khi bạn bật điện, chuyển kênh xem hết chương trình này đến chương trình khác, hình ảnh này của bạn không khiến trẻ phục tí nào.

- Không phá vỡ lời hứa: Nếu bạn hứa cuối tuần cho trẻ đi công viên, hoặc mua sắm, hãy biết cách thu xếp mọi công việc cũng như lịch hẹn để thực hiện lời hứa. Nếu có những việc quan trọng đột xuất, không thể dời lại để bạn thực hiện lời hứa với trẻ thì hãy xin lỗi trẻ và cam kết thực hiện vào một lần khác.

- Không cự tuyệt trẻ: Dù bạn mệt mỏi đến thế nào cũng hãy dành chút thời gian cho trẻ, khi trẻ muốn bạn chia sẻ điều gì đó, hãy kiên nhẫn với trẻ. Trẻ sẽ không hiểu lý do của người lớn, nếu bạn luôn từ chối trẻ, bé sẽ sốc và dễ rơi vào trạng thái cô độc.

- Không can thiệp vào cuộc chơi của trẻ: Nếu trẻ không yêu cầu, bạn nên đứng ngoài quan sát cuộc chơi của trẻ, không bênh vực, không can thiệp, chỉ đứng ra làm trọng tài khách quan khi cần thiết để trẻ tiếp tục có cuộc vui chơi thú vị.

- Không chỉ luôn nói “không”: Nói “không”, cấm đoán trẻ mà không giải thích một cách thuyết phục, trẻ sẽ không vâng lời, hoặc nếu có trẻ cũng chỉ dùng thái độ chống đối.

- Không dùng roi vọt: Vạn bất đắc dĩ mới nên dùng đến roi vọt để giáo dục trẻ, ưu tiên giáo dục bằng lời nói, hành động. Nếu bạn luôn “xử lý” trẻ bằng roi vọt, sẽ tạo cho trẻ tính hung hăng, thích bắt nạt.

- Không bỏ qua ý nguyện của trẻ: Hãy tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư trẻ, để thiết lập tình cảm, sự tôn trọng, tình yêu thương giữa cha mẹ con cái.

Hy vọng “8 không” của Mẹ Cún, là bí quyết nhỏ giúp các bố mẹ dạy trẻ biết vâng lời. Chúc các bố mẹ thành công!


Kim Bảng - Sưu Tầm