[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Lễ hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới 26/9

Lễ hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới 26/9


GiadinhNet - Chiều ngày 24/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Tránh thai Thế giới (26/9) với chủ đề “Tăng cường quyền năng cho giới trẻ để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền tình dục”.

Lễ hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới 26/9 1
Lễ hưởng ứng Ngày Tránh thai Thế giới (26/9) năm 2013 với chủ đề: “Tăng cường quyền năng cho giới trẻ để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền tình dục”.

Tới dự Lễ hưởng ứng có TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, các Phó Tổng cục trưởng cùng đại diện các bộ, ban, ngành đoàn thể trung ương, lãnh đạo các vụ, đơn vị Bộ Y tế và Tổng cục DS-KHHGĐ; Tới tham dự Lễ hưởng ứng còn có đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Lãnh đạo các vụ, đơn vị Tổng cục DS-KHHGĐ. Về phía đại biểu địa phương có đại diện Lãnh đạo UBND, Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy, Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt tham dự Lễ hưởng ứng còn có các bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa các bệnh viện và các Trung tâm tư vấn SKSS/KHHGĐ thành phố Hà Nội.
Lễ hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới 26/9 2
 TS Dương Quốc Trọng phát biểu tại lễ hưởng ứng

Ngày Tránh thai thế giới, lần đầu tiên tổ chức vào ngày 26/9/2007 tại châu Âu do 11 tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội khoa học và y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sinh sản phát động. Ngày Tránh thai thế giới có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai. Đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Phát biểu tại Lễ hưởng ứng, TS Dương Quốc Trọng cho biết, trong vòng mấy chục năm qua, thế giới đã có bước tiến rõ rệt về giảm mức sinh. Trong đó, Việt Nam đã có bước tiến ngoạn mục trong công tác dân số, tổng tỷ suất sinh đã giảm xuống còn 2 con. Theo TS Trọng, muốn giảm được tổng tỉ suất sinh phải tăng cường các biện pháp tránh thai (BPTT). Bên cạnh đó, đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ mang lại hiệu quả cao nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, thì 1 đồng đầu tư cho công tác KHHGĐ sẽ mang lại hiệu quả tới 31 đồng. TS Dương Quốc Trọng cho hay, cũng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (2003 – 2013) ngày hôm nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh: Dân số bền vững – phát triển bền vững, làm dân số tốt – làm kinh tế tốt. Tổng tỷ suất sinh giảm, tỷ lệ áp dụng các BPTT tăng lên. Tuy nhiên, thách thức trong công tác dân số thời gian tới là rất lớn đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong những năm tới số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nước ta vẫn tiếp tục gia tăng và đạt cực đại vào năm 2027 – 2028. Do vậy nhu cầu các BPTT, nhu cầu KHHGĐ vẫn gia tăng trong thời gian tới. Gần đây, Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam và Tổng cục Thống kê có điều tra cho thấy, vẫn còn số lượng khá lớn các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa được đáp ứng các nhu cầu các BPTT (10% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và 3% vị thành niên, thanh niên nữ).
Với khẩu hiệu “Cuộc sống của bạn, Tương lai của bạn, Hiểu về lựa chọn của bạn”, khoảng 70 nước trên thế giới tham gia sự kiện Ngày tránh thai Thế giới, đồng thời các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội Khoa học và Y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sinh sản. TS Dương Quốc Trọng cũng nhấn mạnh: Đây là dịp để công tác truyền thông khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc truyền tải thông tin và là cầu nối liên kết thông tin về ý nghĩa sự kiện quan trọng này tới quần chúng nhân dân trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hãy cùng hướng tới sự kiện này bằng những hành động của chúng ta ngày hôm nay.
Lễ hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới 26/9 3
 BS Mai Trung Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ 
trình bày tổng quan về tình hình KHHGĐ của Việt Nam
Các đại biểu cũng được nghe trình bày tổng quan về tình hình KHHGĐ của Việt Nam do BS Mai Trung Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ, Tổng cục DS-KHHGĐ thực hiện; bài “Những lợi ích và nguy cơ viên uống tránh thai kết hợp” của Giáo sư Trần Thị Phương Mai – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế và bản trình bày về “Thuốc viên tránh thai kết hợp thế hệ mới và mối quan ngại về thuyên tắc huyết khối” của BSCKII. Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc trung tâm Tư vấn SKSS và KHHGĐ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Nhân dịp này, Tổng cục DS-KHHGĐ cũng chính thức phát hành một sổ tay hướng dẫn cho phụ nữ “Thuốc tránh thai và Bạn” và tờ rơi dành cho cán bộ y tế - “Phụ nữ và các lựa chọn tránh thai thích hợp”.
Tin: Hà Anh
Ảnh: Chí Cường