Trong những năm qua công tác Dân
số-KHHGĐ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc
thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, cải thiện tình trạng sức
khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên,
công tác Dân số-KHHGĐ cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An và Hưng Nguyên nói riêng
đang phải đối mặt với các nguy cơ, thách thức đó là: Mức sinh chưa ổn định,
tình trạng sinh con thứ 3 trở lên một số nơi có chiều hướng gia tăng, đặc biệt
mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động.
Tiểu phẩm: Mày phải đẻ cho tao của Hưng Đạo - Ảnh Hồng Điệp |
Các đối tượng tham dự buổi truyền thông ở Hưng Tây |
Chúng ta hiểu: Mất cân bằng giới
tính khi sinh là số trẻ em trai sinh ra chênh lệch quá mức quy định so với số
trẻ em gái sinh ra.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững
theo quy luật tự nhiên và hạn chế sự mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành Dân
số-KHHGĐ đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong tuyên truyền vận
động chuyển đổi hành vi, trong đó có việc triển khai đề án can thiệp giảm thiểu
mất cân bằng giới tính khi sinh.
Tỷ lệ nam và nữ là nhân tố
quan trọng của dân số, bởi nam và nữ khác nhau ở cả góc độ tự nhiên lẫn góc độ
xã hội. Những điểm khác biệt này giúp xã hội phân công lao động hợp lý, cũng
như xây dựng mối quan hệ bình đẳng về giới. Theo quy luật tự nhiên, khi sinh ra
thì tỷ lệ nam và nữ khá cân bằng nhau, nhưng ở Việt Nam những năm gần đây,
tỷ số giới tính khi sinh lại gia tăng đột biến. Một thực tế cho thấy nhiều
người dân đã
chấp nhận quy mô gia đình nhỏ, nhưng chưa chấp nhận việc gia đình chỉ có con
gái mà không có con trai. Họ quan tâm đến lợi ích trước mắt cần
có con trai, còn tương lai khó khăn trong việc lập gia đình thực sự đáng lo
ngại nhưng ít ai nghĩ đến. Có người không biết hoặc không cần muốn biết đến hệ
lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Có người biết nhưng trong lòng
vẫn nặng nề, suy tính sinh con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên,
phụng dưỡng cha mẹ là những suy nghĩ lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức của nhiều
người dân Việt Nam.
Chính những tâm lý và nhận
thức hạn chế này, là rào cản rất lớn trong công tác truyền thông vận động
chuyển đổi hành vi về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Và thực tế số
liệu tỷ số mất cân bằng giới
tính khi sinh hiện vẫn đang ở mức cao: Cả nước năm 2013: 112BT/100BG, Nghệ An:
115BT/100BG; Hưng Nguyên: 124BT/100BG. Đến thời điểm hiện nay, Hưng Nguyên tỷ
số số mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn là 131BT/100BG. Tình trạng này sẽ dẫn đến
những hệ lụy khó lường về xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân,
gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai. Việc
lựa chọn giới tính thai nhi sẽ gây nguy hại cho cơ cấu dân số, làm gia tăng mâu
thuẫn trong tìm kiếm bạn đời và vấn đề hôn nhân, gia tăng tội phạm liên quan
đến tình dục, tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và mại dâm…
Mất cân bằng giới tính khi sinh là một vấn đề
rất vô hình, nó chỉ hữu hình khi chúng ta nhìn thấy bằng các con số và tận mắt
chứng kiến những hậu quả của nó trong đời sống xã hội. Bởi thế việc truyền
thông thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi là rất quan trọng. Khi người dân
nhận thức được những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; giảm được tư
tưởng “trọng nam, khinh nữ”; giáo dục con cái có trách nhiệm với cha mẹ, không
phân biệt con trai, con gái và có các giải pháp can thiệp khác thì tỷ số giới
tính khi sinh của Việt Nam sẽ đạt tới 115 nam/100 nữ vào năm 2020 và sau đó sẽ
giảm xuống 108 nam/100 nữ vào năm 2030 và từ năm 2040 trở đi mới ổn định ở mức
107 nam/100 nữ.
Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đã
được đề cập trong Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia
về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên cần phải làm
nhiều hơn nữa để thực hiện hiệu quả các chính sách và chiến lược nhằm giải
quyết vấn đề này và bây giờ là lúc cần phải hành động:
Một là, cần phải đẩy mạnh hoạt động truyền thông thay đổi hành vi
toàn diện để giải quyết, thay đổi nhận thức, sự phân biệt đối xử về giới thông
qua các phương tiện truyền thông đại chúng, cán bộ y tế, lãnh đạo các cấp, các
ban ngành đoàn thể, các cặp vợ chồng và mọi người dân; thông qua tổ chức thực
hiện tốt các hoạt động của đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính
khi sinh.
Hai là, cần tập trung
thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, nâng cao địa vị
và nhận thức về quyền của họ. Đồng thời có chính sách thích hợp để góp phần
giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Ba là, củng cố hệ thống thu thập dữ liệu để đảm bảo độ chính
xác trong việc báo cáo tỷ số giới tính khi sinh của các cấp từ khối xóm đến
Trung ương.
Những
hành động trên chỉ được thực hiện hiệu quả khi có sự đồng bộ, chung sức, chung
lòng của các cấp các ngành và của cả hệ
thống chính trị.
Vì mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, góp phần tạo
ra sự ổn định xã hội và phát triển bền vững của đất nước trong tương lai, hãy
thể hiện trách nhiệm của chúng ta trong việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính
khi sinh ngay từ hôm nay./.
Cao Nhung - TT Dân số-KHHGĐ huyện