Sau khi men rượu bia ngấm vào người, chúng ta thường có biểu hiện nói nhiều, lảm nhảm, không kiểm soát được hành vi, nhiều người điều khiển xe máy nhanh và liều lĩnh hơn.
Từ xa xưa, rượu đã gắn liền với đời sống của người Việt Nam, trong những bữa ăn hàng ngày hay gỗ chạp, đình đám, hội hè… Khi đã ngấm “ma men”, chúng ta thường có biểu hiện khác thường như nói nhiều, lảm nhảm, kể lể, than vãn và không kiểm soat được hành vi.
Lý giải nguyên nhân của hiện tượng này, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng (Trưởng phòng điều trị tâm thần phân liệt (M5), Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Rượu khi uống vào dạ dày sẽ có 30% hấp thụ vào cơ thể, kích thích cơ thể tạo men để tiêu hóa thức ăn nếu uống ở một lượng nhỏ.
Khi tác động lên não, chất cồn trong rượu, bia kích thích cơ thể sản xuất dopamine. Đây là chất truyền dẫn thần kinh tăng cảm xúc, tạo sự hưng phấn, khiến người uống rượu nói nhiều, nhớ lại chuyện vụn vặt trong quá khứ, nghĩ gì nói nấy. Vì vậy chúng ta thường đánh giá người say rượu thường hay nói thật. Hiện tượng này bắt đầu xảy ra khi trong cơ thể có khoảng 20 ml rượu/1 lít máu”.
Ảnh minh họa.
Lượng dopamine tăng còn khiến người uống rượu bia không kiểm soát được hành vi, mất điều hòa động tác (đi loạng choạng, đi hình zíc zắc) và điều khiển các phương tiện nhanh, mạo hiểm và liều lĩnh hơn bình thường.
NÊN ĐỌC
Nếu trong 1 lít máu có tới 40 ml rượu, người uống sẽ bị ức chế, rơi vào trường hợp ngộ độc (say). Nếu liều ngộ độc kéo dài, cơ thể sẽ bị rối loạn chuyển hóa các axit amin, không hấp thụ được vitamin B1, gây hiện tượng viêm đa dây thần kinh. Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ hưng phấn nói nhiều, nhưng sau đó xảy ra ức chế trầm cảm.
Bác sĩ Dũng cũng cho biết, rất nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị tâm thần do nghiện bia rượu. Những người lạm dụng loại thức uống có cồn này phải đối mặt với nguy cơ mắc các chứng bệnh về thần kinh cao hơn bình thường.
Có thể thấy, cơ quan chịu tác động nhiều nhất của rượu, bia là hệ thần kinh trung ương, nghiện rượu được xếp vào nhóm bệnh tâm thần ngang hàng nghiện ma túy. Vì vậy, điều trị những bệnh nhân này đòi hỏi thời gian dài và cũng rất khó khăn.
Một số bệnh tâm thần do nghiện rượu như hội chứng “ngưng rượu” (gây rối loạn thần kinh và tim mạch), sảng rượu (cơ thể rơi vào tình trạng lú lẫn, mất định hướng không gian - thời gian, ảo giác và ảo ảnh, nhất là thị giác, mất ngủ, đảo ngược nhịp ngày đêm, kích thích, rối loạn nhân cách); đa dây thần kinh (biểu hiện bằng tê bì kiến bò, rát bỏng kèm liệt nhẹ ở hai chân hoặc tứ chi); viêm thị thần kinh, teo tiểu não…
Tuy nhiên, nếu uống ít (dưới 5 ml rượu/1 lít máu), rượu, bia vẫn có tác dụng tích cực khi kích thức chuyển hóa thức ăn, tạo trạng thái hung phấn nhẹ rất tốt cho cơ thể.
Nguồn : Zing