[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / Bản tin sinh hoạt diễn đàn khoa học Tổng cục: Duy trì mức sinh thấp và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình

Bản tin sinh hoạt diễn đàn khoa học Tổng cục: Duy trì mức sinh thấp và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình

Ngày 20/6 Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình đã tổ chức hội thảo sinh hoạt khoa học thường kỳ năm 2014 với chủ đề “Duy trì mức sinh thấp và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình”. Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, các nhà quản lý, các cán bộ, chuyên viên thuộc các đơn vị của Tổng cục. Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các cán bộ yêu thích nghiên cứu khoa học của Tổng cục cùng nhau chia sẻ kinh nghiêm, trao đổi thông tin về những vấn đề trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tân đã khẳng định tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học và sự cần thiết của diễn đàn sinh hoạt khoa học thường kỳ. Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh diễn đàn tlà cơ hội cho các cán bộ thuộc Tổng cục trình bày nghiên cứu, hiểu biết trong lĩnh vực dân số-KHHGĐ; là nơi chia sẻ kiến thức và các nghiên cứu mới của cá nhân, đơn vị thuộc Tổng cục; nơi để các học giả phản biện chính sách…
 
Sau lời phát biểu khai mạc và chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Tân, hội thảo sinh hoạt khoa học tháng 6 đã diễn ra sôi nổi. Hai tham luận được trình bày tại hội thảo gồm “Nghiên cứu dân số Việt Nam trong thời gian tới: duy trì mức sinh thấp và nhu cầu biện pháp tránh thai cao” do Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh - Nguyên Giám đốc Trung tâm NCTT&DL, chuyên gia của Ban quản lý CTMT trình bày; và chủ đề “Định hướng cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và phương tiện tránh thai trong giai đoạn duy trì mức sinh thấp”  do PGS. TS. Đỗ Ngọc Tấn, Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số & KHHGĐ trình bày.
 
Với không khi cởi mở, thân thiện và tinh thần học hỏi, các đại biểu đã tham gia thảo luận rất sôi nổi và tích cực, cả hai tham luận trình bày tại hội thảo đều được các đại biểu đánh giá cao về tính cấp thiết và phù hợp với hoạt động của ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trong thời gian tới.
Sau đây xin giới thiệu bài tham luận của Tiến sỹ Nguyễn Quốc Anh:

DUY TRÌ MỨC SINH THẤP HỢP LÝ VÀ NHU CẦU BIỆN PHÁP
TRÁNH THAI CAO Ở VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN TỚI

      Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế, nhưng với những đặc trưng nhân khẩu học, để duy trì ổn định mức sinh thấp hợp lý thì nhu cầu các phương tiện tránh là rất lớn. Sau đây là một số mối quan hệ đặc trưng dân số học về duy trì mức sinh thấp hợp lý tác động đến nhu cầu phương tiện tránh thai cao là vấn đề trọng tâm đặc biệt trong thời gian tới. Bài nghiên cứu dựa trên mối quan hệ giữa mức sinh và tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thái (BPTT) trong nghiên cứu nhân khẩu học, xuất phát từ phương trình quan hệ của Dorothy Normam : CBR = 48,4 – 0,44 CPR; TFR = 7,4 – 0,07 CPR. Các nhà nghiên cứu cũng đã ứng dụng tính toán mô hình cho các nước ASEAN hoặc từ số liệu Tổng điều tra Dân số  1989,1999 của Việt Nam.
     1/ Qui mô phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ lớn, nhu cầu BPTT cao
      Theo số liệu chính thức, tính đến 1.11.2013 dân số Việt Nam chào đón công dân thứ 90 triệu. Với qui mô trên 90 triệu người, theo cơ cấu hiện tại tỷ lệ phụ nữ là 50,53%, Việt Nam có 45,48 triệu phụ nữ. Trong đó, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là 24,74 triệu người. Điều này cho thấy tiềm năng nhu cầu phương tiện tránh thai sẽ còn rất lớn trong những năm tới.
     2/ Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi chia theo nam nữ tác động đến nhu cầu các BPTT lớn
     Thành quả công tác DS-KHHGĐ trong những năm qua cho thấy một điều là nhóm phụ nữ trẻ từ 15-29 chiếm tỷ trọng cao nhất kể cả về tỷ lệ và số lượng tuyệt đối. Nhóm phụ nữ này là số trẻ em gái sinh ra trong những năm tỷ lệ sinh cao trước đây và nay bước vào độ tuổi sinh đẻ. Nhóm phụ nữ này phải 20-30 năm nữa mới bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ và như vậy trong khoảng thời gian 20-30 năm nữa nhu cầu biện pháp tránh thai vẫn rất lớn để duy trì ổn định mức sinh thấp. Điều này cũng được khẳng định rõ qua biểu số liệu phân bổ dân số theo giới tính. Số phụ nữ trong độ tuổi trẻ 15 đến 29 tuổi chiếm tỷ trọng lớn nhất và là 25% với 11,37 triệu phụ nữ. Ngoài ra số nữ trẻ em từ 0 tuổi đến tuổi chuẩn bị bước vào tuổi sinh đẻ (14 tuổi) chiếm 22,5% và là 10,23 triệu người, đây là số lượng tiềm  năng cần đặc biệt chú ý cho nhu cầu BPTT. Qua các số liệu tuyệt đối cho thấy số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và sắp bước vào độ tuổi sinh đẻ lên đến hàng chục triệu, đây là những thách thức lớn về nhu cầu phương tiện tránh thai trong thời gian tới.
         3/ Duy trì và ổn định mức sinh thay thế ở mức thấp, hợp lý tác động đến nhu cầu các BPTT cao
       Nghiên cứu số liệu TFR từ năm 2008 đến 2012 chia theo vùng kinh tế - xã hội, cho thấy, trong những năm qua, Tây Nguyên luôn là vùng có mức sinh cao nhất nước, tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Đây đều là các vùng nghèo, khó khăn do vậy không những đòi hỏi cung ứng đầy đủ các BPTT mà còn phải tăng nguồn cung cấp miễn phí.
        Tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi (ASFR) cho thấy, ở khu vực nông thôn, mức sinh cao nhất cũng thuộc về nhóm tuổi 25-29 với 130 trẻ sinh sống/1000 phụ nữ. Nếu so với mức sinh của phụ nữ nhóm tuổi 20-24 ở khu vực thành thị thì con số này khu vực nông thôn cao gần gấp đôi (130 so với 85). Điều này cho thấy nhu cầu BPTT còn rất lớn để đảm bảo cung ứng cho số phụ nữ nông thôn chiếm tỷ lệ 70% dân số và có xu hướng kết hôn và sinh con sớm hơn phụ nữ thành thị và như vậy để KHHGĐ tốt thì cũng sớm phải cung ứng đủ BPTT.
         4/ Tỷ suất sinh thô tác động đến nhu cầu các BPTT
          Giống như TFR, CBR giữa các vùng kinh tế - xã hội cũng có sự khác biệt. Đông Nam Bộ là vùng có mức sinh thấp nhất trong cả nước. Trung du và miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là hai vùng có mức sinh cao tương đương (tương ứng là 2,23 và 2,27 con/phụ nữ), nhưng CBR của hai vùng này chênh lệch tới 1,5 điểm phần nghìn (18,8 so với 17,3 trẻ sinh sống/1000 dân). Ngoài ra quá trình di cư mạnh mẽ của dân số trong độ tuổi sinh đẻ kéo theo sự phân bố không đều trong cơ cấu tuổi và giới tính giữa các vùng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Như vậy nhu cầu BPTT không những đòi hỏi cho vùng khó khăn, nghèo mà con phải lưu tâm đến lượng cung ứng cho số người di dân vốn thuộc vào nhóm dân cư bị thiệt thòi.     
         5/ Sự khác biệt về mức sinh theo tỉnh/thành phố
          Nhóm bao gồm 13 tỉnh, chủ yếu là các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Nhóm các tỉnh có mức sinh cao nhất bao gồm 10 tỉnh ở vùng Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và Trung du miền núi phía Bắc. Hai nhóm này thường là các tỉnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người sinh sống, không những đòi hỏi nhu cầu BPTT lớn mà còn là nguồn cung cấp miễn phí hoặc trợ giá. Trên cả nước có 23 tỉnh/thành phố mức sinh trên mức sinh thay thế và thuộc mức sinh cao, đòi hỏi nhu cầu BPTT lớn. Ngoài ra 19 tỉnh/thành phố giao động quanh mức sinh thay thế cũng là các tỉnh tiềm năng cho mức sinh tăng trở lại và cũng đòi hỏi nhu cầu cung ứng BPTT. Như vậy, mặc dù cả nước đã đạt mức sinh thay thế nhưng 2/3 số tỉnh/thành phố vẫn chưa đạt mức sinh thay thế hoặc nằm trong số có tiềm năng mức sinh tăng cao trở lại, điều này đòi hỏi nhu cầu cung ứng BPTT vẫn còn lớn trong nhưng năm tới. 
         6/ Phụ nữ sinh con thứ ba trở lên, nhóm đối tượng đặc biệt cho nhu cầu các BPTT
Xem xét tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ ba trở lên ở Việt Nam từ năm 2005 đến 2012 chia theo thành thị và nông thôn. Số liệu cho thấy, trong thời gian qua, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên trong cả nước giảm dần qua các năm, từ 20,8% năm 2005 xuống 14,2% năm 2012. Tuy có những thời điểm tăng như năm 2008 so với 2007 và năm 2013 cũng tăng trở lại với mức 14,3% so với 2012, tuy mức tăng chưa lớn. Trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ ba của phụ nữ thành thị thay đổi và có xu hướng tăng trong khi tỷ lệ này của phụ nữ nông thôn giảm đều. Mặc dù vậy số liệu cho thấy, vẫn còn một tỷ lệ nhất định phụ nữ sinh con thứ ba trở lên, đặc biệt là có xu hướng tăng ở khu vực thành thị, những điều này cho thấy vẫn cần đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu BPTT trong thời gian tới.
        Giữa trình độ học vấn và tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên có mối quan hệ tỷ lệ nghịch: Trình độ học vấn càng cao, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên càng thấp. Tỷ lệ phần trăm phụ nữ sinh con thứ ba trở lên trong năm của những phụ nữ chưa đi học tới 42,9% và giảm dần xuống còn 30,5% đối với phụ nữ chưa tốt nghiệp tiểu học; 20,0% đối với phụ nữ tốt nghiệp tiểu học, 14,7% đối với phụ nữ tốt nghiệp trung học cơ sở và chỉ còn 4,4% đối với phụ nữ có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên. Như vậy yêu cầu cung ứng các BPTT cho số phụ nữ có trình độ văn hóa thấp, ngoài việc cung ứng đầy đủ các BPTT mà còn đòi hỏi sử dụng các BPTT có tính chất lâu dài, ổn định, để sử dụng và như vậy cũng liên quan đến nhu cầu BPTT cao với chi phí cao.
        Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến chương trình DS-KHHGĐ và đã hoạch định trong chương trình mục tiêu quốc gia. Vấn đề này được nhấn mạnh trong Chiến lược Quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020, và các văn bản chính sách khác. Đây là chương trình đưa vào pháp luật thông qua Pháp lệnh Dân số năm 2003 và đang đánh giá tổng kết và xây dựng Luật Dân số trình Quốc Hội xem xét vào 2015. Để ổn định và thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ trong thời gian tới, về nhu cầu các BPTT cần tiếp tục cung ứng đầy đủ và duy trì ở mức cao để đảm bảo đáp ứng nhu cầu các BPTT, duy trì thực hiện tốt chương trình DS-KHHGĐ trong thời gian tới đảm bảo tính ổn định, bền vững của chương trình.

NGỌC ANH - nguồn http://www.gopfp.gov.vn/