(Dansohungnguyen.com).
Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 07/7/2014, Tại thị xã Cửa Lò, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Nghệ An
tổ chức Hội thảo “các giải pháp hiệu quả nhằm giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh
con thứ 3 trở lên ở các huyện đồng bằng vùng ven biển”
Sau khi khai mạc Hội thảo của đồng chí Nguyễn
Thị Hồng Hoa, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Nghệ An,
Phát biểu chào mừng của Phó chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện
công tác Dân số - KHHGĐ thị xã Cửa Lò; có 6 đơn vị tham gia tham luận tại Hội
thảo; Dansohungnguyen.com trân trọng gửi tới bạn đọc bài tham luận của Đồng
chí Nguyễn Kim Bảng, Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Hưng Nguyên với nội dung " Một số kinh nghiệm triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông Dân
số-KHHGĐ để đạt mức sinh thay thế" được các đại biểu tại Hội thảo và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Y tế ghi nhận đánh giá rất cao.
Đồng chí Nguyễn Kim Bảng, Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Hưng Nguyên Ảnh: Hoài Nam,CCDS tỉnh Nghê An |
Dưới
đây là toàn văn nội dung bài tham luận:
Kính thưa quý vị đại biểu!
Hôm
nay tôi rất vinh dự và vui mừng được tham dự Hội thảo bàn về các giải pháp thực
hiện có hiệu quả nhằm giảm mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại các
huyện đồng bằng, ven biển Tỉnh Nghệ An do
Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh tổ chức. Lời đầu tiên cho phép tôi được gửi tới Quý
vị đại biểu, các đồng nghiệp huyện bạn lời chúc sức khỏe, lời chào trân trọng
nhất, chúc hội thảo thành công tốt đẹp!
Kính thưa quý vị đại biểu!
Được
sự phân công của ban tổ chức, cho phép phát biểu tại hội thảo, trước hết, chúng
tôi thể hiện quan điểm đồng tình cao với chủ trương tổ chức hội thảo của lãnh
đạo Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh nhà, với báo cáo đã trình bày và các ý kiến phát
biểu trước của các vị đại biểu. Từ thực tiễn công tác Dân số - KHHGĐ nói chung
và hiệu quả trong việc triển khai các hoạt động truyền thông thông vận động nói
riêng của huyện Hưng Nguyên trong thời gian qua, tôi xin mạnh dạn được chia sẻ
một số nội dung "Một số kinh nghiệm
triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông Dân số-KHHGĐ ở địa phương để
đạt được mức sinh thay thế" như sau:
* Thứ
nhất: Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động
Công
tác truyền thông vận động ở Hưng Nguyên có những thành công trước hết là do
công tác tham mưu văn bản phối hợp kịp thời, chủ động trong xây dựng kế hoạch
sớm từ huyện tới cơ sở và tập trung với 4 loại loại hoạt động truyền thông rất
rõ nét:
Một là Truyền thông thường xuyên với các
hoạt động cụ thể:
+ Đài phát thanh: Đây
là một hình thức truyền thông đại chúng, nhưng nó hết sức quan trọng, tạo dư
luận xã hội về tuyên truyền và thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ rộng rãi đến
mọi đối tượng. Không những Hưng Nguyên có chuyên mục về Dân số-KHHGĐ trên đài
PT-TH huyện mà ở cơ sở, chương trình được phát thanh theo định kỳ sáng và chiều
thứ 5 hàng tuần đồng loạt ở 23/23 xã, thị trấn; mỗi tháng cán bộ viên chức Dân
số xã phải viết 4 bài truyền thông theo từng chủ đề, trong đó nhất thiết có phần
cụ thể hóa của địa phương mình. Việc làm này chúng tôi đã duy trì 4 năm nay,
hai năm đầu tiên cán bộ truyền thông của Trung tâm viết, in phát cho cơ sở, năm
thứ ba hướng dẫn cán bộ viên chức xã viết theo chủ đề định hướng của Trung tâm,
và năm thứ tư thì việc viết bài là việc của Viên chức Dân số xã, thị trấn theo
kế hoạch phê duyệt từ đầu năm. Được kiểm tra giám sát đột xuất và theo định kỳ.
Trong điều kiện đài truyền thanh cơ sở bị hư hỏng thì Viên chức Dân số-KHHGĐ
xã, thị trấn có trách nhiệm sao văn bản chuyển xuống cho Cộng tác viên Dân số
-KHHGĐ xóm, khối phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của xóm, khối.
+ Khẩu hiệu: cũng là một lại hình truyền thông đại chúng được chúng
tôi hết sức quan tâm, tạo được dư luận rộng rãi với những thông điệp về Dân
số-KHHGĐ. Năm 2009 chúng tôi bắt đầu thực hiện mục tiêu mỗi xóm, khối có 3 câu
khẩu hiệu áp phích hoặc bờ tường bờ rào và đến năm 2012 thì tăng lên 5 câu cho
mỗi xóm, khối. Hiện nay trên địa bàn toàn huyện đã có hơn 1310 câu khẩu hiệu là
thông điệp về Dân số-KHHGĐ. Để làm được việc này, ban đầu nhiều đơn vị triển
khai gặp không ít khó khăn vì nguồn kinh phí hạn hẹp, đòi hỏi anh em phải tham
mưu vận dụng bằng nhiều cách: có đơn vị thì sử dụng nguồn quỹ dân số, có đơn vị
thì chia về cho xóm, khối. Phối hợp với Ban công tác mặt trận xóm trích nguồn
kinh phí quỹ xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư để thực hiện, có xã tham
mưu với HĐND chi kinh phí hàng năm cho việc viết mới và tu sửa khẩu hiệu trên
áp phích, bờ tường, bờ rào…
Ngoài
ra, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện thường xuyên khai thác, tham mưu với Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh bổ sung, duy tu bảo dưỡng
một số cụm pano trọng điểm trên địa bàn huyện.
+ Tư
vấn hộ, thăm tại nhà: là hình thức truyền thông trực tiếp. Đây là việc làm
thường xuyên; hàng tháng cộng tác viên Dân số-KHHGĐ trực tiếp tư vấn và báo cáo
danh sách, thời gian, nội dung tư vấn cho Viên chức dân số xã cập nhật báo cáo
về Trung tâm dân số huyện, 6 tháng đầu năm 2014 toàn huyện đã tư vấn tại hộ
được: 1.214 hộ gia đình cần phải quan tâm chú ý trong việc thực hiện chính sách
Dân số-KHHGĐ, vấn đề CSSKSS/KHHGĐ và các đề án....
+ Trang thông tin điện tử Dân số Hưng
Nguyên: Ra mắt từ tháng 7 năm 2013, đến nay đã có hơn 75.000
lượt truy cập của độc giả, để duy trì trang tin hoạt động hiệu quả ngoài việc
liên kết với các trang khác mà độc giả hay quan tâm thì mỗi tháng, cán bộ Trung
tâm và viên chức xã phải có ít nhất hai tin bài phản ánh hoạt động của đơn vị
mình và tin tổng hợp những việc đã làm trong tháng. Làm được điều này đạt được
hai mục đích đó là: có tin bài phản ánh, nếu đơn vị nào không triển khai các
hoạt động thì có nghĩa không có gì để viết để phản ánh.( bởi vì tin hoạt động
nhất thiết phải có hình ảnh minh họa). Dù không được đào tạo viết báo nhưng với
việc tổ chức tập huấn cách viết tin bài thì đến nay nhiều viên chức xã đã làm
được, chưa chuyên nghiệp nhưng cũng gọi là cây nhà lá vườn, phản ánh được tình
hình và kết quả hoạt động của địa phương.
Hai là: Truyền thông lồng ghép với các
hoạt động cụ thể :
+ Sinh hoạt Câu lạc bộ: là
hình thức truyền thông trực tiếp uyển chuyển và dễ vào cuộc hơn. Toàn huyện có
88 câu lạc bộ dân số/SKSS/KHHGĐ hoạt động theo quy chế. Chúng tôi đưa ra mục
tiêu 70% xóm khối có CLB sinh hoạt, định kỳ Ban chủ nhiệm CLB phối hợp với chi
hội phụ nữ, chi hội nông dân, chi hội người cao tuổi để tổ chức sinh hoạt với
hình thức và nội dung được thay đổi thường xuyên cho phù hợp và có hiệu quả,
điển hình như CLB “Nông dân với công tác Dân số” ở xóm 5 xã Hưng Tiến, CLB
“Người cao tuổi với công tác Dân số” ở xã Hưng Yên Nam, CLB “ Sống vui sống
khỏe sống có ích” ở Hưng Mỹ, CLB “ Mái ấm gia đình” ở Xóm 2 Hưng Tân.
+ Tư vấn nhóm: là
hình thức truyền thông trực tiếp với chỉ tiêu mỗi xóm, khối có ít nhất 2 lần tư
vấn nhóm/năm với nhiều nội dung truyền thông chuyển đổi hành vi phù hợp với
từng nhóm đối tượng. Trên cơ sở kế hoạch, lịch công tác đã xây dựng từ đầu
tháng, Viên chức dân số xã chỉ đạo CTV phối hợp lồng ghép với các tổ chức đoàn
thể vận động đối tượng tham gia, viên chức chịu trách nhiệm tư vấn về nội dung,
cán bộ truyền thông phụ trách lĩnh vực này về tham dự đánh giá. Qua thực hiện 6
tháng đầu năm 2014 đã có 248 buổi tư vấn nhóm.
+ Tư vấn cộng đồng: cũng
là là hình thức truyền thông trực tiếp. Những năm trước đây, việc truyền thông
tư vấn cộng đồng ở Hưng Nguyên đã làm rất tốt, có hẳn một đội quân tháng nào
cũng vác máy về cơ sở nói chuyện chuyên đề, mỗi buổi truyền thông ít nhất có
100 đối tượng tham gia, nhiều nhất có khi hơn 300 đối tượng. Để thu hút được
đối tượng ngoài việc chuẩn bị tốt về mặt nội dung thì có hai yếu tố rất quan
trọng đó là: Báo cáo viên có khả năng truyền tải nội dung tốt và viên chức phải
biết tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy chính quyền để giao chỉ tiêu cho các ban
ngành đoàn thể tham gia đảm bảo thành phần số lượng theo yêu cầu.
Để làm
được điều này, vấn đề cốt tử là bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ làm công tác
truyền thông thật công phu và bài bản. Tổ chức tập giảng tại Trung tâm, rồi mới
xuống cơ sở. Vì vậy, chúng tôi khá thành công trong việc tổ chức thực hiện các
buổi thuyết trình, tư vấn cộng đồng ở cơ sở, được đối tượng và cấp ủy, chính
quyền cơ sở ghi nhận và đánh giá cao, thu hút đối tượng tham gia.
+ Truyền thông đề án: thực
hiện đồng thời cả hai hình thức truyền thông (trực tiếp và đại chúng) Để truyền
thông tốt nội dung hai đề án tới tận người dân thì ở Hưng Nguyên đã sử dụng cả
truyền thông nhóm, tư vấn hộ, tư vấn cộng đồng. Làm được điều này cần phải phối
hợp tốt với các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN vào các dịp ngày kỷ niệm
như: Thành lập hội, quốc tế phụ nữ 8/3... và bước đầu truyền thông đã có hiệu
quả, đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh kết quả có được là tỷ số
hàng năm giảm rõ rệt. Năm 2011: 140BT/100BG; năm 2012 là: 137BT/100BG; năm 2013
là 124BT/100BG; đối với đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, ban đầu khi mới
triền khai thực hiện, do nhận thức của người dân nên hiệu quả thực hiện đạt
thấp, song hai năm trở lại đây nhờ làm tốt công tác truyền thông mà người dân
đã nhận thức ra được, nhiều gia đình đã chủ động đưa con tới trạm y tế để được
lấy mẫu máu gót chân.
Ba là: Truyền thông sự kiện
Mỗi
đơn vị có ít nhất 2 hoạt động hoạt động truyền thông nổi bật nhân các ngày lễ
và sự kiện của ngành như: 11/7, chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch
vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, 26/12, tháng hành động quốc gia về dân số…6 tháng đầu
năm 2014 có 15/23 đơn vị đã tổ chức chương trình giao lưu sân khấu hóa thu hút
hàng nghìn đối tượng tham gia. Năm 2013 Hưng Nguyên tổ chức thành công chương
trình đối thoại trực tiếp với quy mô cấp huyện, năm 2014 tổ chức chương trình
truyền thông trên sông nước quy mô cấp huyện nhận được sự quan tâm của các cấp
ủy, chính quyền và thu hút nhiều đối tượng tham gia. Phối hợp với các tổ chức,
đoàn thể ở cơ sở giao lưu, tìm hiểu kiến thức có nội dung về Dân số/SKSS/KHHGĐ
Bốn là: Truyền thông đặc thù, tăng cường
Hưng
Nguyên là huyện có đặc thù vùng giáo và vùng sông nước, vì vậy hoạt động truyền
thông cũng tập trung tăng cường vào đặc
thù đó. Đầu năm, trung tâm tiến hành duyệt kế hoạch truyền thông cho các đơn
vị, riêng đối với các đơn vị có đặc thù thì các hoạt động truyền thông cũng đa
dạng, linh hoạt và đòi hỏi khả năng tham mưu vận dụng phối hợp chặt chẽ hơn.
Đối với vùng có đông đồng bào giáo dân, song
song với việc tổ chức tốt các hoạt động truyền thông, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở các cơ sở vùng giáo
đã tổ chức tốt việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các Nghị quyết, Chỉ thị
quan trọng của Đảng đối với công tác dân số trong cán bộ, đảng viên và nhân
dân. Từ đó, đa số cán bộ, đảng viên đã gương mẫu thực hiện chính sách Dân số-
KHHGĐ và tích cực vận động người thân, nhân dân cùng thực hiện. Đồng thời,
chính sách Dân số- KHHGĐ đã được các chức sắc tôn giáo quan tâm là điều kiện để
người dân công giáo tích cực thực hiện một cách tự giác, nghiêm túc. Có linh
mục đã lồng vào trong các bài giảng và các bài giáo lý hôn nhân để khuyên răn
giáo dân “sinh con có trách nhiệm”. Nhờ vậy, phần lớn giáo dân đã nắm bắt được
những nội dung cơ bản chính sách, pháp luật Dân số-KHHGĐ và tự nguyện đăng ký
cam kết thực hiện. Có nhiều tấm gương gia đình giáo dân thực hiện tốt chính
sách Dân số-KHHGĐ. Các buổi sinh hoạt câu lạc bộ “gia đình hạnh phúc” luôn thu
hút được hơn 90 % hội viên tham gia. Với kết quả có 9...% ký cam kết thực hiện
chính sách Dân số-KHHGĐ theo Quyết định số 76/2012/QĐ-UBND, ngày 19/10/2012 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc Ban hành Quy định một số chính sách dân số
- kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ
An.
Đối với vùng sông nước các hoạt động truyền thông có
khác hơn là tập trung vào những hình
thức tư vấn nhóm và tư vận tại hộ, phát tờ rơi vào những thời điểm người dân sinh
sống trên sông nước neo đậu thuyền trở về làng, có như vậy các nội dung chuyển
đổi hành vi về dân số/SKSS/KHHGĐ mới đến được với người dân.
Ngoài
ra, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện chú trọng đến một số loại hình truyền thông
đại chúng như phối hợp với Đài PT-TH huyện, tỉnh xây dựng các phóng sự, tin,
sản xuất video, đĩa video, ảnh đưa lên trang thông tin điện tử dân số huyện;
Trang bị mỗi xã, thị trấn một bộ cờ, khẩu hiệu đuôi nheo, băng rôn mang tính
thông điệp chủ đạo của Dân số-KHHGĐ phục vụ cho các ngày kỷ niệm, sự kiện. Thường
xuyên có bài viết trên bản tin nội bộ của huyện....
Từ
những việc làm nói trên mà trong những năm qua, dân số ở Hưng Nguyên khá ổn
định, luôn đạt mức sinh thay thế; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân 5 năm
qua dưới 1%; 85% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận các BPTT hiện
đại. Tỷ số giới tính khi sinh giảm. Mức sinh và sinh con thứ 3 trở lên giảm
Để làm
tốt công tác truyền thông vận động với các loại hình nói trên; bài học kinh
nghiệm thành công tập trung ở hai vấn đề quan trọng:
1, Xây
dựng kế hoạch sát đúng với tình hình thực tiễn của địa phương; Tham mưu đúng và
chỉ đạo tổ chức thực hiện với thái độ kiên quyết. Truyền thông các nội dung,
các loại hình phải được tổ chức thực hiện đúng thời điểm.
2, Vấn
đề rèn luyện và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức Dân số-KHHGĐ không
chỉ ở Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện, mà đối với Viên chức Dân số-KHHGĐ xã, thị
trấn, Cộng tác viên Dân số -KHHGĐ xóm, khối cũng hết sức quan trọng, góp phần
làm nên sự thành công trong công tác truyền thông vận động.
* Thứ hai: Một số khó khăn thách thứctrong
công tác truyền thông về Dân số-KHHGĐ
hiện nay:
Dù hoạt động truyền thông vận động có nhiều nổi bật,
đổi mới, năng động, chủ động, sáng tạo trong cách làm; Tuy vậy, những thách
thức trong công tác dân số-KHHGĐ hiện nay như: Tăng sinh, sinh con thứ 3 trở
lên, mất cân bằng giới tính khi sinh, nhận thức trong việc sinh con trai để nối
dõi tông đường, sinh con dự phòng trong điều kiện xã hội ngày nay như có nhiều
tai nạn rủi ro, bệnh tật,…đang là những khó khăn, trở ngại rất lớn cho quá
trình triển khai các hoạt động truyền thông vận động. Đặc biệt hiện nay, nguồn
kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động truyền thông, các đề án đang thụ hưởng bị cắt
giảm nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả của các hoạt động
truyền thông.
* Thứ ba: Một số đề xuất, kiến nghị.
+ Bản chất của công tác dân số-KHHGĐ hiện nay là vận
động, truyền thông - giáo dục chính là rường cột là xương sống của cuộc vận động
ấy. Muốn công tác Dân số-KHHGĐ đạt kết quả tốt không thể không làm truyền
thông.
Vì vậy, đề nghị Chi cục dân số-KHHGĐ Tỉnh có kế
hoạch tham mưu với UBND Tỉnh kinh phí dành cho hoạt động truyền thông vận động.
+ Đề nghị tỉnh có kế hoạch mở các lớp tập huấn có
chất lượng dành cho cán bộ truyền thông tuyến huyện, nên chăng tỉnh cũng cần
phải chọn một số cán bộ truyền thông ở cơ sở được tham gia các lớp tập huấn
nghiệp vụ ở Trung ương để trau dồi rèn luyện và làm nòng cốt, có thể điều động
khi cần.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Việc
triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông vận động là một trong những
yếu tố làm nên thành công của công tác Dân số-KHHGĐ. Trong phạm vi của buổi hội
thảo và thời gian không cho phép để tham gia nhiều vấn đề, thay mặt trung tâm
dân số-KHHGĐ huyện Hưng Nguyên xin được chia sẻ một số vấn đề trên đây. Rất
mong được các quý vị đại biểu, các đơn vị huyện bạn trao đổi để học hỏi kinh
nghiệm và tiếp tục thực hiện thành công công tác Dân số-KHHGĐ nói chung và hoạt
động truyền thông vận động nói riêng. Cuối cùng xin trân trọng cảm ơn quý vị
đại biểu, các đồng chí đã chú ý lắng nghe!
Kim Bảng - Trung tâm Dân
số-KHHGĐ Hưng Nguyên