[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Chăm sóc thai nghén

Chăm sóc thai nghén



(Dansohungnguyen.com). Sinh con khoẻ mạnh, thông minh là niềm vui, niềm hạnh phúc, là mong muốn của mỗi người mỗi gia đình và là trách nhiệm thiêng liêng đối với giống nòi với đất nước.
Ảnh: Minh Họa
Muốn sinh con khoẻ mạnh, các cặp vợ chồng cần phải biết cách chăm sóc sức khoẻ sinh sản, đặc biệt chăm sóc bà mẹ trong thời kỳ có thai, vì sức khoẻ, bệnh tật của người mẹ trong thời kỳ này đều có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển và sức khoẻ của thai nhi. Để Chăm sóc người phụ nữ khi có thai nhằm đảm bảo một cuộc thai nghén bình thường và sinh đẻ an toàn cho cả mẹ lẫn con đồng thời em bé được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất và bà mẹ có thời gian lấy lại sức khỏe sau sinh trước hết, bà mẹ nên xác định được thời gian sinh con và khoảng cách sinh con hợp lý. Độ tuổi sinh con nên trong khoảng 22-35 tuổi và khoảng cách giữa hai lần sinh từ 3-5 năm, không nên có con quá sớm, trước 22 tuổi cũng như không nên sinh quá muộn sau 35 tuổi, vì dẽ gây ra các tai biến sản khoa cũng như những bất thường trong quá trình mang thai và sinh con.
* Trước khi mang thai chăm sóc thế nào?
 - Trước khi mang thai bà mẹ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng đồng thời uống viên sắt mỗi ngày một viên trước khi mang thai ít nhất một tháng.
- Khám nội khoa tổng quát nhằm tìm các bệnh lý mạn tính hoặc cấp tính tính như: cao huyết áp, tim mạch, hen suyễn, đái tháo đường..., những bệnh này có khả năng ảnh hưởng đến kế hoạch có thai, hoặc các vấn đề tiềm ẩn có thể phát triển khi có thai. Phụ nữ nếu đang mắc bệnh thì trước khi có thai nên gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc người đang điều trị để xác định tình trạng sức khỏe.
- Những người có tiền sử về có thai lần trước như: chữa trứng, sẩy thai, thai lưu, đẻ non v.. thì cần đến cơ sở y tế để được tư vấn trước khi mang thai.
- Trước khi mang thai các bà mẹ nên tiêm phòng một số bệnh truyền nhiễm như Cúm, sởi, rubella, thủy đậu v…nhằm mục đích tránh các bệnh có thể xảy ra trong thai kỳ mang thai ảnh hưởng đến thai ở nhiều mức độ: sảy thai, sinh non, dị tật ở thai v...
- Khám phụ khoa để điều trị sớm nhiễm khuẩn đường sinh sản cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục để phòng lây bệnh sang cho con khi mang thai.
- Nên bỏ các thói quen như hút thuốc lá, uống rượu bia v.. vì ảnh ưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con như trẻ bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân, dị tật v.
*Trong khi mang thai chăm sóc ra sao?

Bắt đầu có thai, một số bà mẹ thường cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, hay có cảm giác buồn nôn hoặc thèm ăn những thức ăn theo sở thích riêng của từng người. Dấu hiệu đặc biệt để nghi ngờ có thai là các mẹ thấy trễ kinh, khi có những dấu trên các mẹ nên xác định chắc chắn mình có thai bằng việc đến các cơ sở y tế để được khám bằng que thử thai hay siêu âm để biết chính xác mình đang mang thai.
Khi xác định mình đang mang thai việc đầu tiên các mẹ nên làm đó là đi khám thai sớm và khám thai đúng định kỳ để được quản lý thai nghén. Trong quá trình mang thai bà mẹ nên khám thia ít nhất là 3 lần. Lần đầu vào 3 tháng đầu, lần 2 vào 3 tháng giữa và lần 3 vào 3  tháng cuối của thai kỳ.Nếu khám được nhiều lần hơn càng tốt, nhất là ba tháng cuối, mỗi tháng nên khám một lần. Khi khám thai, người mẹ sẽ được khám toàn thân: đo chiều cao, cân nặng, đếm mạch, nghe tim phổi, đo huyết áp, thử nước tiểu, phát hiện các yếu tố bất thường như cao huyết áp, protein niệu, da xanh xao thiếu máu (nhìn niêm mạc môi, mắt), phù nề (ấn vào mắt cá chân) và các bệnh mãn tính tim, gan, thận... Khám sản khoa: đo chiều cao tử cung, vòng bụng, nghe tim thai. Khám thai đầy đủ và đúng định kỳ bà mẹ sẽ được phát hiện những dấu hiệu bất thường để được xử lý kịp thời, đồng thời sẽ được cán bộ y tế tư vấn về cách chăm sóc thai nhi như: chế độ ăn uống, vệ sinh, tư vấn nơi sinh, chuẩn bị những vật dụng cần thiết trước khi sinh v...
Ảnh: Minh Họa
- Khi có những dấu dấu hiệu bất thường như:
- Ra máu; đau bụng;
-  Sốt.
- Có cơn ngất (bất tỉnh) hoặc co giật.
- Nôn mửa quá nhiều: nôn mửa là hiện tượng thường gặp khi mang thai nhất là trong giai đoạn nghén, tuy nhiên nôn mửa quá nhiều lại là điều không bình thường.
-  Đau rát khi đi tiểu và đi tiểu nhiều: có thể bạn đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu, hay gặp rắc rối với thận, rất dễ dẫn đến nguy cơ sinh thiếu tháng
- Không thấy cử động của thai sau tháng thứ 4, hoặc cử động thai yếu đi.
- Da xanh, mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở.
- Vỡ ối hoặc rỉ ối mà không có cơn đau đẻ.
- Đến ngày dự kiến sinh mà chưa chuyển dạv..thì  các mẹ nên đến cơ sở y tế khám ngay không đợi đến định kỳ mới đi khám.
Đề phòng bệnh uốn ván cho mẹ và con, người mẹ khi có thai cần được tiêm phòng uốn ván, đầy đủ hai mũi: mũi thứ nhất vào tháng thứ tư hoặc thứ sáu, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất một tháng và trước khi đẻ ít nhất nửa tháng.
Trong khi mang thai thai không nên tự ý dùng thuốc kể cả thuốc bắc và thuốc nam vì một số thuốc khi dùng trong thời gian mang thai sẽ ảnh hưởng đến thai nhi như: Khi mới có thai, dùng vitamin A liều cao có thể làm thai phát triển không bình thường; dùng kháng sinh streptomycin có thể làm trẻ bị điếc ngay từ khi đẻ. Một số thuốc nội tiết, an thần có thể gây sảy thai, thai chết, rối loạn phát triển của thai hoặc bị bệnh sau khi đẻ. Do đó khi cần dùng thuốc bà mẹ phải hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.
Chế độ lao động, vệ sinh, nghỉ ngơi hợp lý, tinh thần thoải mái của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Nên lao động chân tay và trí óc một cách điều độ, tránh lao động mệt nhọc quá sức, nhất là tháng cuối người mẹ cần được nghỉ ngơi để có thời gian chuẩn bị cho con, cho mẹ, có sức khoẻ tốt, tránh được tai biến khi đẻ. Vệ sinh thân thể hàng ngày, mặc quần áo thoáng mát về mùa hè  áp về mùa đông. Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, khói than, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và các chất độc hại khác để bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và thai nhi, đồng thời tạo cho mình tâm lý thoải mái trong suốt thời gian mang thai.
Chế độ ăn uống của người mẹ có vai trò quan trọng quyết định đối với sự phát triển của thai nhi.Cho nên người mẹ cần nhớ rằng phải ăn uống cho mình và cho cả con. Nếu người mẹ được ăn uống tốt, đầy đủ các chất dinh dưỡng thì người mẹ sẽ lên cân tốt và thai nhi phát triển bình thường. Trong suốt thời kỳ có thai, người mẹ cần tăng được từ 10kg đến 12 kg (trong đó, 3 tháng đầu tăng 1kg, 3 tháng giữa tăng 4-5kg, 3 tháng cuối tăng 5-6 kg). Những trường hợp người mẹ bị thiếu ăn hoặc ăn uống kiêng khem không hợp lý chính là nguyên nhân của suy dinh dưỡng trong bào thai, trẻ đẻ ra có cân nặng thấp dưới 2500g, trẻ dẽ bị dị tật bẩm sinh nhất là thiếu máu trong 3 tháng đầu. Vì vậy trong quá trình mang thai bà mẹ cần ăn uồng nhiều hơn bình thường, cần tăng khẩu phần ăn và ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm tránh kiêng khem, ngoài ăn uống hàng ngày người mẹ cần bổ sung viên sắt và sử dụng muối I ốt hàng ngày vì thiếu sắt, thiếu I ốt có thể dẫn tới sảy thai và sinh ra trẻ chậm lớn, dị tật...
Ảnh: Minh Họa
- Uống đủ lượng nước cần thiết khi có thai (từ 8 đến 12 cốc nước sạch, nước hoa quả hoặc sữa mỗi ngày). Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày khoảng 15-20 phút.
Ngoài việc khám thai, ăn uống nghĩ ngơi hợp lý thì việc làm cũng hết sức quan trọng trong thời kỳ mang thai đó là các bà mẹ nên thực hiện sàng lọc trước sinh vào khoảng thời gian thai nhi ở tuần 12,22,32 của thai kỳ để phát hiện những bất thường trong quá trình mang thai cũng như phát hiện sớm các dị dạng dị tật bẩm sinh ở thai nhi để được điều trị hoặc xử lý kịp thời.
Thai nhi phát triển bình thường và khi sinh an toàn khoẻ mạnh cả mẹ lẫn con là hạnh phúc của mỗi gia đình và toàn xã hội vì thế chăm sóc sức khoẻ sinh sản đặc biệt là cách chăm sóc thai nghén là việc làm hết sức cần thiết mà các bà mẹ nên thực hiện./

                                                                    Ngô Thị Tuyên
                                                Trung tâm Dân số- KHHGĐ