[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm học 2013-2014

4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm học 2013-2014



(Chinhphu.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2013-2014.
Ảnh minh họa
Theo đó, đối với giáo dục mầm non, năm học mới 2013-2014 cần tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường học 2 buổi/ngày, tăng cường đầu tư xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, ưu tiên các nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đảm bảo chất lượng.
Trong năm học 2013-2014 này, giáo dục phổ thông tiếp tục triển khai mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), nhân rộng mô hình này theo các mức độ khác nhau phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời, thực hiện đề án “Triển khai phương pháp "Bàn tay nặn bột" ở trường phổ thông giai đoạn 2011-2015”. Đẩy mạnh tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học.
Đối với giáo dục thường  xuyên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là củng cố mô hình hoạt động trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện theo hướng mỗi huyện có một trung tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ giáo dục gồm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề, mở rộng dạy văn hóa kết hợp dạy nghề…
Năm học 2013-2014, nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục chuyên nghiệp là phải đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và đánh giá kết quả học tập của người học. Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động thành lập và cho phép trường trung cấp chuyên nghiệp hoạt động giáo dục, thực hiện quy chế đào tạo, mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo…
Phương pháp “Bàn tay nặn bột” là một phương pháp giáo dục tích cực do Giáo sư người Pháp Georges Charpak (giải Nobel Vật lý năm 1992) sáng tạo ra và đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều cấp học ở Pháp.
Với phương pháp này, học sinh tiểu học có thể tiếp cận tri thức khoa học như là một quá trình tìm tòi nghiên cứu; học sinh phải tự mình thực hiện các hoạt động để tiếp thu kiến thức, giáo viên không làm sẵn và hướng dẫn một chiều; giáo viên hướng dẫn học sinh xử lý kiến thức; các phương pháp học tập tích cực phải được thực hiện liên tục, kéo dài…
Được biết, năm học 2012 - 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) tại 1.447 trường tiểu học thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là mô hình tổ chức trường học dựa trên nguyên tắc đổi mới phương pháp dạy và học, lấy người học làm vị trí trung tâm. Sau hơn một năm triển khai áp dụng, nhiều địa phương khẳng định sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này vào việc tổ chức trường, lớp, bảo đảm tính chủ động, sáng tạo trong việc truyền thụ tri thức cho học sinh.

 Thanh Trúc