[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Phát huy vai trò chính quyền cơ sở trong thực hiện chính sách Dân số-Kế hoạch hóa gia đình

Phát huy vai trò chính quyền cơ sở trong thực hiện chính sách Dân số-Kế hoạch hóa gia đình


    

(Dansohungnguyen.com) Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp cũng như sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số-KHHGĐ, tình hình dân số Hưng Nguyên đã được cải thiện đáng kể. Nhận thức của người dân về quy mô dân số thực sự có những chuyển biến rõ rệt, nhiều cặp vợ chồng chấp nhận quy mô gia đình nhỏ 1 - 2 con, tỷ suất sinh, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên thấp và tương đối ổn định.
Đ/c Hoàng Văn Phi, UVBCH Tỉnh ủy, Bí Thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện
phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số-Ảnh Cao Nhung

Xác định và nhận thức đúng đắn công tác Dân số-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Thực hiện thành công công tác Dân số-KHHGĐ sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, nâng cao dân trí, phát triển đời sống xã hội và tinh thần cho nhân dân. Hàng năm, chỉ tiêu công tác Dân số-KHHGĐ đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng Ủy,  HĐND các cấp và là một trong những chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của huyện và các xã, thị trấn. HĐND các cấp đã xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát, đánh giá công tác Dân số-KHHGĐ tại các địa phương; Các phòng, ban, ngành, đoàn thể đã tích cực triển khai những nội dung, chương trình, phối hợp tổ chức thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành các chỉ thị, thông tri, Nghị quyết, quyết định, chương trình hành động về công tác Dân số-KHHGĐ phù hợp với tình hình cụ thể của huyện, đồng thời chỉ đạo điều hành công tác Dân số-KHHGĐ theo từng chương trình, mục tiêu quốc gia hàng năm.
Trong các đợt triển khai chiến dịch “ Tăng cường truyền thông vận động lồng ghép dịch vụ Dân số/SKSS/KHHGĐ” , UBND huyện đã ban hành kế hoạch và phân bổ các chỉ tiêu thực hiện trong chiến dịch cho từng xã, thị trấn đồng thời chỉ đạo các cơ sở căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương để chủ động triển khai chiến dịch đảm bảo thời gian và đạt hiệu quả cao nhất. UBND huyện cũng chỉ đạo Trung tâm Dân số - KHHGĐ phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội; Ban chỉ đạo công tác dân số các cấp thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra; Có chính sách khen thưởng đối với các xã, thị trấn, xóm, khối  thực hiện tốt công tác Dân số-KHHGĐ. Từ đó động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật  Nhà nước về Dân số-KHHGĐ.
Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện đã và đang từng bước củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số-KHHGĐ từ  huyện tới cơ sở, xóm, khối theo tinh thần Thông tư  số 05/2008/TT-BYT, ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy Dân số-KHHGĐ và Quyết định số 77/2012/QĐ-UBND, ngày 19/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc bố trí cán bộ chuyên trách Dân số-KHHGĐ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm tạo dựng lực lượng cán bộ dân số có trình độ và năng lực đủ sức tham mưu cho các cấp quản lý, điều hành thực hiện có hiệu quả công tác Dân số-KHHGĐ. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp với các phòng, ban ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng để tổ chức công tác truyền thông công tác Dân số-KHHGĐ, đặc biệt là tăng cường các hoạt động truyền thông nhân ngày dân số thế giới 11/7, Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp, bổ ích. Trong đó ưu tiên các hoạt động truyền thông ở các địa bàn đông dân, có mức sinh và tỉ lệ đẻ con thứ 3 trở lên cao; tập trung tuyên truyền trong chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ, vùng trọng điểm đến các hộ gia đình, truyền thông nhóm nhỏ... xây dựng các mô hình thí điểm về Dân số-KHHGĐ như diễn đàn, đối thoại trực tiếp...., mô hình câu lạc bộ dân số phối hợp với  nông dân, phụ nữ, thanh niên...
Công tác tuyên truyền pháp luật về dân số cũng được các cấp, các phòng triển khai sâu rộng trên phạm vi toàn huyện. Một nét mới về công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi về Dân số-KHHGĐ Hưng Nguyên là đã từng bước thu hút được sự tham gia của nam giới. Nếu như trước đây, nói tới thực hiện KHHGĐ thì không ít người nghĩ ngay rằng đó là “Việc của chị em”. Vai trò của người đàn ông mờ nhạt, thậm chí nhiều người họ vô can, trong khi đó trên thực tế nam giới là người quyết định việc có hay không việc sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Chính vì vậy, việc nam giới tham gia công tác Dân số-KHHGĐ đã góp phần năng cao vai trò, trách nhiệm và sự cảm thông, chia sẻ của người chồng đối với vợ trong việc thực hiện KHHGĐ.
Hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển, các trạm y tế xã phường đã có những trang thiết bị cơ bản để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu nói chung và cung cấp một số dịch vụ cơ bản về CSSKSS/ KHHGĐ nói riêng, 100% trạm y tế xã, thị trấn có nữ hộ sinh trung học hoặc y sỹ sản nhi đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ thiết yếu tại cơ sở. Người tham gia sử dụng các dịch vụ KHHGĐ được tư vấn để lựa chọn cho mình các biện pháp tránh thai có hiệu quả nhất và phù hợp với tình trạng sức khỏe, điều kiện gia đình. Chính vì vậy, tỷ lệ người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ SKSS/KHHGĐ chất lượng cao ngày càng tăng, việc cung cấp các dịch vụ SKSS/KHHGĐ được thực hiện thường xuyên đảm bảo thuận tiện, an toàn và hiệu quả.
Nhìn chung công tác Dân số-KHHGĐ ở Hưng Nguyên trong năm vừa qua đã đạt được những kết quả đáng kể song vẫn còn một số vấn đề bất cập cần được quan tâm. Đề cập đến vấn đề này, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (2003-2013) đồng chí Phạm Quốc Việt, UVBTV huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số địa phương, đơn vị vẫn chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ; Một số cán bộ cơ sở vẫn chưa có cái nhìn thấu đáo, đầy đủ về công tác Dân số-KHHGĐ. Nhận thức của một bộ phận người dân, trong đó cả cán bộ, đảng viên về việc thực hiện KHHGĐ còn hạn chế. Chính vì vậy , muốn thay đổi nhận thức của người dân về công tác Dân số-KHHGĐ, trước hết  phải tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viện. Và đây mới chính là chiếc “Chìa khóa” cho thành công của công tác Dân số-KHHGĐ”.
Thực tiễn triển khai thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ đã cho thấy rằng cấp ủy Đảng, chính quyền có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Dân số-KHHGĐ đến tận người dân và đa số các cấp lãnh đạo ở Hưng nguyên đã phát huy tốt lợi thế, thực hiện phát triển kinh tế xã hội, kết hợp với chăm lo công tác Dân số-KHHGĐ nên đời sống nhân dân ổn định, bộ mặt thị xã ngày một khởi sắc.
KIM BẢNG
Trung tâm Dân số-KHHGĐ