[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Bệnh gây mù, lòa mắt

Bệnh gây mù, lòa mắt



PNCN - Để bảo vệ mắt, cách tốt nhất là tìm hiểu nguyên nhân gây ra mù, lòa và phòng tránh, chữa trị sớm. Có hai đối tượng dễ bị khiếm khuyết thị giác là người cao tuổi và trẻ em…

Bệnh có thể gây mù, lòa mắt trẻ em
❍ Bong võng mạc sơ sinh
Bệnh này thường gặp ở trẻ sinh non, có thể gây mù lòa nếu không điều trị kịp thời. Vì thế, tại các bệnh viện phụ sản như Từ Dũ, Hùng Vương (TP.HCM)… đã có chương trình tầm soát.
❍ Tật khúc xạ
Với tật cận thị, trẻ phải nhìn gần mới thấy. Do đó, nếu trẻ phải ngồi xa bảng sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Tật loạn thị cũng làm cho bé bị suy giảm thị lực, không nhìn rõ (hình ảnh của sự vật bị méo đi, hoặc mờ).
❍ Lé cơ năng
Lé có thể làm cho bé bị nhược thị, ảnh hưởng đến sinh hoạt sau này. Cần cho bé đi điều trị lé sớm, các bác sĩ sẽ hướng dẫn tập luyện và đeo kính, cũng có trường hợp phải mổ.
❍ Ung thư mắt
Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới năm tuổi. Do biểu hiện âm thầm nên bệnh khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Song, có thể có những dấu hiệu sớm như: chảy nước mắt, lé... BS Trần Thị Phương Thu - Khoa Mắt - Đại học Y dược TP.HCM cho biết: “Bệnh này nếu phát hiện sớm, điều trị bằng laser và hóa trị sẽ cho kết quả khả quan”.
❍ Glaucoma bẩm sinh
Đây là bệnh có thể gây biến chứng không hồi phục như mờ mắt, mù lòa. Dấu hiệu nhận biết gồm: mắt to ra khác thường, sợ ánh sáng, chảy nước mắt.
BS Nguyễn Ngọc Châu Trang - BV Mắt TP.HCM khuyên: “Do trẻ em không thể tự phát hiện bệnh nên phụ huynh cần để ý đến những bất thường ở mắt các cháu như: một mắt to một mắt nhỏ, sụp mí mắt, chảy nước mắt, lé, con ngươi bị trắng… Khi thấy những dấu hiệu bất thường ở mắt, nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa mắt khám ngay”.
Bệnh mắt gây mù ở người lớn tuổi
❍ Bệnh đục thủy tinh thể (Cataract)
Thủy tinh thể bị đục khiến cho mắt nhìn không rõ dần dần dẫn đến mù lòa. Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể gồm: quá trình lão hóa (thường gặp ở những người trên 55 tuổi), làm việc ngoài nắng, dùng thuốc…
❍ Bệnh mắt do tiểu đường
Bệnh tiểu đường cả típ 1 lẫn típ 2 đều ảnh hưởng đến các vi mạch máu, có thể gây tổn thương cho võng mạc (nơi tiếp nhận ánh sáng) nên dễ dẫn đến mù lòa.
❍ Cườm nước (glaucoma)
Bệnh do tăng áp suất trong mắt, làm chết dây thần kinh. Những người có nguy cơ mắc bệnh cao gồm: người trên 40 tuổi, bệnh nhân tiểu đường hay cao huyết áp, người có tiền căn gia đình đã mắc glaucoma góc đóng hay góc mở, bệnh nhân viễn thị, giác mạc (tròng đen) nhỏ, người có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid trong thời gian dài, cận thị nặng, có tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt.
❍ Thoái hóa hoàng điểm
Khi điểm vàng thoái hóa, người bệnh chỉ nhìn được phần tổng quát chứ không nhìn được chi tiết (ví dụ thấy đồng hồ không thấy kim)…Theo BS Trần Thị Phương Thu, bệnh thường gặp ở những người trên 65 tuổi. Nếu phát hiện sớm có thể giúp bệnh nhân kéo dài thời gian nhìn rõ bằng thuốc, laser…
❍ Giác mạc mờ đục
Giác mạc như một cái kính trong mắt. Vì thế, khi giác mạc mờ đục, mắt sẽ không nhìn thấy gì. Có nhiều nguyên nhân làm cho giác mạc mờ đục: chấn thương giác mạc, mang kính áp tròng suốt ngày đêm…
❍ Chấn thương thị thần kinh
Những va đập vào thái dương, mắt, đầu… đôi khi rất nhẹ nhưng có thể làm mù mắt vĩnh viễn do thần kinh thị giác bị chấn thương.
BS Nguyễn Thị Tuyết Minh - Khoa Mắt, BV Chợ Rẫy TP.HCM khuyên: “Người sau 40 tuổi cần đo nhãn áp và soi đáy mắt mỗi lần khám sức khỏe để phát hiện sớm bệnh glaucoma. Bệnh giác mạc mờ đục có thể phòng ngừa bằng cách tránh bị chấn thương như: đeo kính bảo hộ lao động khi hàn xì, cột dây thun xe, đập đá, đeo kính đen tránh tia tử ngoại… Riêng những người bị bệnh tiểu đường cần soi đáy mắt để phát hiện bệnh sớm. Sau khi khám cần đi tái khám đúng theo lời dặn của bác sĩ. Dù không thấy biểu hiện bệnh vẫn đi khám mỗi năm một lần. Khi thấy các triệu chứng như: đau, nhức, đỏ mắt cần đi khám ngay”.
Vũ Âu
( nguồn: baomoi.com)