[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Bệnh sốt xuất huyết Dengue và cách phòng tránh

Bệnh sốt xuất huyết Dengue và cách phòng tránh



Hiện nay, thời tiết biến đổi thất thường và đang vào mùa mưa lũ, môi trường ẩm thấp nên rất thuận lợi cho một số virus, vi khuẩn sinh sôi và phát triển làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, trong số đó phải kể đến sốt xuất huyết Dengue.
I. Nguyên nhân
Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do Virut Dengue gây nên và lây theo đường máu, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti.
Muỗi Aedes aegypti

II. Triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết Dengue:
1,  Sốt :
Sốt cao 39 – 40oc, sốt liên tục kéo dài trung bình từ 5 – 6 ngày, cảm giác ớn lạnh, ít có tác dụng với thuốc hạ sốt, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ,  người mệt mỏi, buồn nôn.
2, Xung huyết – Xuất huyết
* Xung huyết : Da, niêm mạc xung huyết, niêm mạc mắt, môi đỏ sậm, da mặt ửng đỏ hai bên má, tai.
* Xuất huyết: Dưới nhiều dạng và nhiều cơ quan khác nhau xuất hiện vào ngày thứ 2, thứ 3 và kéo dài vài ba ngày hoặc vài tuần tùy thuộc vào mức độ nặng, nhẹ của bệnh.
+ Đối với niêm mạc: Xuất huyết chấm kết mạc mắt, chảy máu cam, chảy máu chân răng.
+ Đối với da: Các mảng xuất huyết ở chi thường xẩy ra tự nhiên hoặc do tiêm truyền, sau đụng chạm nhẹ. Dấu hiệu dây thắt dương tính chiếm tỷ lệ cao ( > 90%).
Xuất huyết dưới da

+ Đối với tiêu hóa: có thể có ói ra máu, đi tiêu phân đen.
+ Đối với tiết niệu – Sinh dục: Nước tiểu đỏ, rong kinh ở phụ nữ.
3, Triệu chứng  tiêu hóa:
Không muốn ăn, đầy hơi, khó tiêu; đau vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải. sờ rõ bờ gan lớn dưới bờ sườn; rung gan đau.
4, Dấu hiệu sốc:
Có thể xẩy ra vào ngày thứ 4, thứ 5 hoặc rất muộn vào ngày thứ 6 với các biểu hiện:
+ Vẻ mặt mệt mỏi, da niêm tái
+ Mạch nhanh, nhẹ hoặc bằng 0, huyết áp hạ hoặc bằng 0.
+ Chi mát, lạnh, dấu phục hồi da > 2 giây.
+ Nước tiểu ít.
5, Cô đặc máu:
+ Hematocrit tăng có thể  >60%
+ Tiểu cầu giảm < 100.000/mm3
6, Tràn dịch các màng
Phát hiện bởi Xquang hoặc siêu âm ổ bụng và đây là dấu hiệu có giá trị cao trong chẩn đoán Sốt xuất huyết Dengue ở người lớn.
III. Điều trị và dự phòng sốt xuất huyết Dengue
1, Điều trị sốt xuất huyết Dengue
 Hiện nay chưa có thuốc điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng:
+ Hạ sốt
+ Bổ sung dịch thể
+ Xử trí tốt các dấu hiệu xuất huyết, truyền máu khi có xuất huyết nội tạng nặng.
+ Phát hiện và xử trí sớm sốc
+ Nuôi dưỡng, chăm sóc tốt cho người bệnh.
2, Phòng bệnh sốt xuất huyết.
 Do chưa có vaccin phòng ngừa nên phòng bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là diệt lăng quăng, diệt muỗi và phòng muỗi cắn bằng cách:
- Cọ rửa và thay nước ít nhất mỗi tuần một lần ở các bể chứa nước.
- Thả các loại cá nhỏ vào bể, hồ chứa nước để cá ăn lăng quăng
                                        Phun thuốc diệt muỗi

- Vệ sinh môi trường sạch sẽ, phát quang bụi rậm, giảm thiểu các khu vực có nước đọng là nơi đẻ trứng của muỗi, thu gom hủy bỏ các vật chứa nước không cần thiết ( vỏ đồ hộp, lốp xe cũ, chai lọ..)            
       
                    Vệ sinh môi trường hạn chế muỗi lây sốt xuất huyết
- Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, treo quần áo vào tủ để hạn chế chỗ cư trú của muỗi.
- Ngủ màn, mặc quần áo dài, xịt thuốc diệt muỗi trong gia đình,  trong những đợt có dịch thì phun thuốc trên diệt rộng.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là một bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccin phòng ngừa, tốc độ lan truyền nhanh. Do đó mỗi người cần chủ động tìm hiểu về Sốt xuất huyết Dengue để có biện pháp phòng bệnh tốt nhất đặc biệt vào mùa mưa hay xẩy ra dịch./.
                                              HOÀNG HƯƠNG
                                                Trung tâm Dân số-KHHGĐ