(PL&XH) - Một số loại quả (như cam, quýt, táo, lê, mận, đào…): Khi nhìn thấy bề mặt quả bóng, bảo quản được lâu không bị thối hỏng; đây chính là các loại quả mà thương lái đã dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm tiêu diệt nấm và vi khuẩn để bảo quản.
Trên thị trường hiện nay tràn ngập các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn: Từ các loại rau quả tồn dư quá nhiều hóa chất độc hại đến các loại thịt, cá tồn dư chất kháng sinh và các chất tăng trọng mà các cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi (ảnh).
- Đối với các loại rau ăn lá (rau muống, bắp cải, xà lách, mồng tơi…): Khi thấy lá rau non hơn bình thường, lá màu xanh đen, giòn và hầu như không có vết sâu bệnh hại; đây là những loại rau mà người trồng đã bón quá nhiều phân đạm hoặc phân bón lá và phun các loại thuốc trừ sâu, nhưng không đảm bảo thời gian cách ly. Đối với những loại rau này, trong thành phần có chứa nhiều đạm nitorat (NO3) và các hóa chất bảo vệ thực vật gây hại tới sức khỏe con người.
- Giá đỗ đậu xanh: Nếu thân giá trắng, to, mập, giòn và hầu như không có rễ là những loại giá đỗ đã dùng chất tích nước và diệt phần rễ khi ngâm ủ (điển hình trong các loại hóa chất độc hại này là thuốc SHS có nguồn gốc từ Trung Quốc). Những loại giá đỗ này, mặc dù chứa nhiều hóa chất độc hại nhưng lại rất hấp dẫn người tiêu dùng.
- Một số loại quả (như cam, quýt, táo, lê, mận, đào…): Khi nhìn thấy bề mặt quả bóng, bảo quản được lâu không bị thối hỏng; đây chính là các loại quả mà thương lái đã dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm tiêu diệt nấm và vi khuẩn để bảo quản. Riêng đối với quả mít và sầu riêng, khi quả chín nhưng múi lại không có vị thơm đặc trưng; thường là những quả đã được các thương lái thu mua khi còn xanh và dùng hóa chất kích thích để tiêm cho nhanh chín.
- Đối với miến, bún, bánh phở…: Khi nhìn các loại thực phẩm này có màu trong hơn bình thường là do người sản xuất đã dùng một số hóa chất tẩy trắng trong quá trình chế biến. Nếu miến, bún, bánh phở để qua đêm ở nhiệt độ thường mà không bị ôi, thiu là do người sản xuất đã cho thêm chất bảo quản (chủ yếu là foóc-môn) khi chế biến. Khi ăn phải những loại thực phẩm này sẽ gây tổn thương màng nhầy của dạ dày và thực quản.
- Các loại cá: Khi nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp có chứa chất kháng sinh thì thịt cá kém săn chắc, để lâu dễ bị ươn và ôi thiu. Những loại cá này khi chế biến sẽ bị teo tóp, cá thường có vị tanh hơn bình thường và thịt có vị “nhạt”.
- Đối với thịt lợn: Khi nhìn thấy thịt chủ yếu là nạc mà hầu như không có thịt mỡ, thịt có màu đỏ sẫm như thịt bò là những loại thịt mà người chăn nuôi đã dùng chất tăng trọng chứa nhiều hóa chất corticoid. Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Khi con người ăn phải thực phẩm có chứa chất corticoid sẽ gây rối loạn trao đổi chất và ung thư bàng quang.
H.L