[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , , Phương pháp truyền thông (Phần 1)

Phương pháp truyền thông (Phần 1)


        (Dansohungnguyen.com). Trả lời được câu hỏi làm thế nào để công tác truyền thông có hiệu quả, thu hút được đối tượng chăm chú lắng nghe; Đó chính là phương pháp truyền thông. Phương pháp truyền thông bao gồm trực tiếp và đại chúng. Trong phạm vi bài này xin được giới thiệu với các bạn truyền thông trực tiếp:
        Khi bạn tìm hiểu đối tượng của mình xem họ còn thiếu những hiểu biết và kỹ năng gì để học có được hành vi sức khoẻ sinh sản lành mạnh, đồng thời bạn giúp họ có được những hiểu biết và kỹ năng đó bằng cách trực tiếp trò chuyện, trao đổi, mặt đối mặt với họ tức là bạn đang truyền thông tin trực tiếp để chuyển đổi hành vi sức khoẻ sinh sản của họ. Đối tượng truyền thông của bạn có thể là một người, nhưng cũng có thể là một nhóm người. Khi truyền thông trực tiếp, bạn cần giải thích đầy đủ cho đối tượng, nhưng phải để đối tượng được tự quyết định hành vi sức khỏe sinh sản của mình.
§     Cần kiên trì, gặp gỡ đối tượng thường xuyên, vì đối tượng cần có thời gian để có kiến thức chuyển đổi thái độ và hành vi.
§     Tìm mọi cách để biết được đối tượng có hiểu rõ điều bạn nói không. Nếu đối tượng hiểu rõ, hiểu đúng những điều bạn nói tức là bạn đã truyền thông tốt.
§     Ngoài ra, cần có sự chia sẻ tình cảm, hiểu rõ hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của đối tượng.
          a. Điểm mạnh
Vì là truyền thông trực tiếp, bạn và đối tượng gặp và nói chuyện với nhau nên:
          Bạn có thể:
§     Thấy rõ được thái độ, nét mặt của đối tượng và kịp thời thay đổi cách nói của mình cho phù hợp.
§     Chủ động kéo dài hoặc rút ngắn buổi nói chuyện.
§     Biết được đối tượng nghĩ gì về điều bạn nói.
          Đối tượng có thể:
§     Nghe được rõ ràng hơn điều bạn giải thích.
§     Hỏi ngay được những điều chưa hiểu.
          b. Điểm yếu:
§     Mỗi lần, bạn chỉ có thể gặp được một hoặc một số ít người mà thôi.
§     Do phải “lộ diện” nên đối tượng có thể e ngại nói ra những điều thầm kín, riêng tư, nếu họ chưa thực sự tin tưởng bạn.
          1, Thảo luận nhóm nhỏ
Là tuyên truyền viên trực tiếp nói chuyện với một nhóm các đối tượng có hoàn cảnh, đặc điểm, nhu cầu sức khoẻ sinh sản giống nhau, khi:
§     Khi thấy một số đối tượng cùng cần hiểu biết về một vấn đề nào đó (Ví dụ: một số phụ nữ có con nhỏ hoặc đang mang thai lần đầu cần biết cách nuôi con bằng sữa mẹ, cho ăn bổ sung như thế nào là tốt…).
§     Khi trong cộng đồng có một số đối tượng chưa thực hiện hành vi sức khoẻ sinh sản mong muốn nào đó (Ví dụ: nam giới không chịu dùng bao cao su vì cho rằng chỉ những quan hệ với gái mại dâm mới phải dùng bao cao su).
§     Khi cần phải nhanh chóng cho đối tượng biết một điều gì đó về sức khoẻ sinh sản.
Để giúp đối tượng, chúng ta cần phải:
§     Nói cho đối tượng biết hoặc cho họ tài liệu về vấn đề họ đang quan tâm.
§     Thảo luận vấn đề dân số và sức khoẻ sinh sản cần thiết cho đối tượng.
§     Giải thích cho đối tượng để họ không tin những điều đồn đại.
Khi tổ chức thảo luận nhóm nhỏ Bạn cần mang theo những phương tiện, tài liệu phục vụ chủ đề trong buổi thảo luận nhóm, chẳng hạn:
§     Sách lật.
§     Tranh vải.
§     Tờ gấp.
§     Một số bao cao su, vỉ viên uống tránh thai, dụng cụ tử cung (vòng tránh thai).
§     Mô hình tử cung (dạ con).
                                      Và những việc nên làm:
§     Chuẩn bị địa điểm và thông báo thời gian, địa điểm cho đối tượng.
§     Mỗi buổi họp chỉ nên mời khoảng 10 - 15 đối tượng.
§     Đến trước đối tượng.
§     Khuyến khích những người rụt rè phát biểu.
§     Chỉ trả lời và nói những gì mình biết chắc (những gì không biết chắc thì hẹn trả lời sau để có thời gian tìm hiểu thêm).
§     Sử dụng văn nghệ, chiếu video, nghe băng cho sôi nổi.
                                      Những điều cần tránh:
§     Tránh nói nhiều, nói dài.
§     Tránh chỉ trích, phê phán khi có đối tượng nói sai.
§     Tránh kéo dài quá 2 giờ cho một buổi thảo luận nhóm.
                                      Các bước thực hiện trong thảo luận nhóm nhỏ:
§     Chào hỏi đối tượng, mời đối tượng ngồi sao cho mọi người đều có thể nhìn rõ tranh, ảnh khi bạn trình bày.
§     Giới thiệu nội dung cuộc họp.
§     Tạo bầu không khí thân thiện, cởi mở, tin cậy.
§     Trình bày tóm tắt, rõ ràng, dễ hiểu các thông tin (cần liên hệ với tình hình địa phương và có những dẫn chứng, tranh ảnh, hiện vật minh họa).
§     Khuyến khích mọi người hỏi và thảo luận.
§     Giải đáp các câu hỏi của đối tượng.
§     Tóm tắt các ý chính.
§     Phát tờ rơi có liên quan đến nội dung buổi họp
          2. Thăm tại nhà
Là tuyên truyền viên trực tiếp gặp nói chuyện với đối tượng và có thể với các thành viên khác trong gia đình, tại nhà của đối tượng.
Chúng ta sử dựng hình thức thăm tại nhà khi:
§     Khi gia đình đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt (Thí dụ: Đông con, ốm yếu, không sử dụng biện pháp tránh thai…).
§     Khi đối tượng cần có sự giúp đỡ của những người khác trong gia đình (Thí dụ: Đối tượng là phụ nữ mang thai, mới đẻ xong, trẻ vị thành niên…).
§     Khi trong gia đình đối tượng có tình trạng thiếu bình đẳng nam nữ (Thí dụ: Chồng không giúp vợ, hay đánh đập vợ…).
§     Khi gia đình đối tượng có người nghiện hút, tiêm chích ma tuý, nhiễm HIV.
Khi đến thăm tại nhà nên:
§     Cần tìm hiểu trước hoàn cảnh của gia đình.
§     Hẹn trước vào giờ thích hợp với gia đình.
§     Đến đúng giờ.
§     Có sổ theo dõi các gia đình đã đến thăm.
Để giúp đối tượng khi đến thăm tại nhà cần phải:
§     Nói cho đối tượng biết hoặc cho họ tài liệu về vấn đề họ đang quan tâm.
§     Trao đổi với các thành viên trong gia đình đối tượng để họ ủng hộ, chấp nhận một hành vi tích cực nào đó.
§     Phát cho đối tượng phương tiện tránh thai (bao cao su, viên uống tránh thai…) và hướng dẫn họ cách sử dụng.
§     Quan sát để phát hiện các yếu tố ảnh hưởng tới sức khoẻ như nguồn nước, nhà tắm, nơi phơi quần áo.
§     Tiết kiệm thời gian cho gia đình đối tượng.
      Khi đến thăm tại nhà, cần mang theo phương tiện, tài liệu hỗ trợ cho việc trao đổi về một chủ đề nào đó, chẳng hạn:
§     Sách lật.
§     Tranh vải.
§     Tờ gấp.
§     Một số bao cao su, vỉ viên uống tránh thai, dụng cụ tử cung (vòng tránh thai).
§     Mô hình tử cung (dạ con).
Những việc không nên làm khi đến thăm tại nhà:
§     Tránh làm mất quá nhiều thời gian của gia đình.
§     Tránh chỉ trích, phê phán sự thiếu ủng hộ, những hành vi không tốt của các thành viên trong gia đình.
§     Tránh hỏi những câu thô thiển, thiếu tế nhị.
      Các bước thực hiệnkhi đến thăm tại nhà
§     Chào hỏi các thành viên trong gia đình.
§     Hỏi thăm tình hình của gia đình (sức khoẻ, học hành…).
§     Nói rõ mục đích của cuộc đến thăm.
§     Thảo luận với đối tượng về những quan tâm, thắc mắc của họ.
§     Động viên những hành vi tốt mà học đã hoặc đang thực hiện.
§     Động viên các thành viên khác trong gia đình giúp đối tượng thực hiện những hành vi tốt.
§     Phát tờ rơi có liên quan đến mối quan tâm, nhu cầu của đối tượng.
§     Nếu cần, phát bao cao su, viên uống tránh thai hoặc hướng dẫn cách nấu thức ăn bổ sung cho trẻ (tuỳ thuộc vào nhu cầu của đối tượng)…
§     Tạm biệt gia đình, có thể hẹn tới thăm lại vào một buổi khác hoặc mời đối tượng tham gia họp nhóm.
          3. Tư vấn
          Tư vấn là quá trình trao đổi mặt đối mặt (trực diện) giữa cán bộ truyền thông DS/SKSS (người truyền) và khách hàng (người nhận) nhằm giúp đỡ họ có khả năng tự mình đưa ra quyết định về chăm sóc sức khoẻ sau khi được cung cấp đầy đủ những thông tin khách quan và chia sẻ về mặt tình cảm.
Ssử dụng hình thức tư vấn khi:
§     Khi khách hàng mới sử dụng các BPTT, thay đổi BPTT
§     Khi đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt (Thí dụ: mang thai trước hôn nhân, nhiễm HIV, không biết cách nuôi con, bị chồng đánh đập, sử dụng biện pháp tránh thai bị thất bại…).
§     Khi đối tượng có những vướng mắc khó nói, cần hỏi ý kiến của bạn (Thí dụ: thay đổi sinh lý của tuổi dậy thì, tuổi tiền mãn kinh, thiếu hoà hợp về tình dục giữa hai vợ chồng…).
§     Khi đối tượng lo lắng về một vấn đề nào đó (Thí dụ: quan hệ tình dục mà không biết mình có thai hay không, phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và HIV/AIDS vì đang quan hệ tình dục với nhiều bạn tình…).
Để giúp đối tượngkhi tư vấn cần:
§     Tìm hiểu những nỗi lo lắng của đối tượng và giải thích cho họ rõ.
§     Nói cho đối tượng biết hoặc cho họ tài liệu về vấn đề họ đang quan tâm.
§     Giúp đối tượng có thể tự qruyết định vì lợi ích của bản thân mình.
§     Phát cho đối tượng các phương tiện tránh thai (bao cao su, viên uống tránh thai…) nếu đối tượng cần.
§     Chỉ dẫn đối tượng đến nơi có dịch vụ phù hợp (nơi thực hiện phá thai, nơi làm xét nghiệm để phát hiện các bệnh lây qua đường tình dục, HIV…).
Nên mang theo phương tiện, tài liệu phục vụ chủ đề, chẳng hạn:
§        Sách lật.
§        Tranh vải.
§        Tờ gấp.
§        Một số bao cao su, vỉ viên uống tránh thai, dụng cụ tử cung (vòng tránh thai).
§        Mô hình tử cung (dạ con).
Khi tư vấn cần thiết phải:
§        Tuyệt đối tôn trọng và giữ bí mật chuyện riêng của đối tượng.
§        Nếu đối tượng có bạn tình hoặc chồng/vợ có thể mời họ cùng tham gia nếu đối tượng đồng ý.
§        Giải thích giúp đối tượng những gì đối tượng cần biết.
§        Giúp đối tượng tự lựa chọn, tự quyết định.
Những việc không nên làm
§        Tránh không cho đối tượng biết những thông tin gây lo lắng cho họ một cách không cần thiết.
§        Tránh thực hiện tư vấn ở những nơi có người khác nhìn thấy, nghe thấy được.
§        Tránh chỉ trích, phê phán đối tượng.
Các bước thực hiện trong tư vấn
          Để thực hiện tư vấn được tốt, bạn nên thực hiện 6 bước sau:
-Tiếp đón niềm nở, chú ý hoàn toàn đến đối tượng.
- Hỏi thăm tình hình của đối tượng bằng những câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu.
- Ân cần hướng dẫn đối tượng những điều mà bạn muốn đối tượng thực hiện.
- Nhẫn nại giúp đỡ, giải thích cho đối tượng để đối tượng tự lựa chọn, quyết định hành vi sức khoẻ sinh sản.
- (giảm) Áp lực, căng thẳng cho đối tượng bằng cách nói rõ mọi điều, động viên đối tượng đưa ra câu hỏi và trả lời rõ mọi câu hỏi của đối tượng để đối tượng an tâm thực hiện hành vi sức khoẻ sinh sản tích cực.
- (giải thích) Ích lợi của việc trở lại gặp bạn và dặn đối tượng trở lại bất kỳ lúc nào họ cần biết thêm thông tin hoặc đến cơ sở y tế bất cứ lúc nào họ cần nhận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản.
          Để dễ nhớ, có thể tóm tắt 6 chữ cái đầu của 6 bước tư vấn thành hai từ: THÂN ÁI.
          (Hai từ “THÂN ÁI”: cũng thể hiện một yêu cầu cần có của tuyên truyền viên / cộng tác viên đối với đối tượng).
         Ngoài ra, tuyên truyền viên còn có thể tranh thủ trao đổi, giúp đỡ đối tượng qua các cuộc gặp gỡ không chính thức như: trong lúc làm việc ở ngoài đồng, đi chợ…
        Nếu các bạn quan tâm và chú ý áp dụng tin rằng phương pháp truyền thông trực tiếp sẽ có hiệu quả thiết thực đến đối tượng./.

KIM BẢNG

Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện