[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Hướng tới giảm tỷ lệ trẻ em bị tàn tật, khuyết tật trên địa bàn Thị trấn Hưng Nguyên thông qua tuyên truyền vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh

Hướng tới giảm tỷ lệ trẻ em bị tàn tật, khuyết tật trên địa bàn Thị trấn Hưng Nguyên thông qua tuyên truyền vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh

Theo thống kê của Ban Chính sách xã hội Thị trấn Hưng Nguyên, hiện nay trên địa bàn toàn Thị trấn có 29 trẻ bị tàn tật, khuyết tật. Trong đó có nhiều khối có số trẻ bị tàn tật và khuyết tật bẩm sinh cao: Khối 10 có 7 cháu; khối 7 có 3 cháu ; khối 4 có 3 cháu…Đây không chỉ là nỗi đau của các gia đình mà còn là nỗi đau và gánh nặng của cộng đồng và xã hội.
Để hạn chế tỷ lệ trẻ em sinh ra bị tàn tật và khuyết do di truyền bẩm sinh, trong thời gian qua  Ban Dân số - KHHGĐ Thị trấn phối hợp với Trạm Y tế Thị trấn  tích cực tuyên truyền vận động, lấy mẫu máu trẻ sơ sinh để xét nghiệm các bệnh rối loạn chuyển hoá di truyền cho trẻ sinh ra trên địa bàn.
Chiều ngày 10/12/2013 chị Lương Thị Quỳnh cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên phụ trách công tác Dân số- KHHGĐ Thị trấn cùng chị Cao Thị Tâm, nữ hộ sinh Trạm y tế Thị trấn và các đồng chí Cộng tác viên Dân số- KHHGĐ  khối 8 đã đến nhà chị  Nguyễn Thị Thìn khối 8 Thị trấn Hưng Nguyên, là sản phụ mới sinh để tư vấn cho chị và gia đình tham gia lấy mẫu máu xét nghiệm cho cháu bé. Sau khi nghe tư vấn, sản  phụ cũng như gia đình sản phụ đã đồng ý để chị Cao Thị Tâm nữ hộ sinh trạm y tế Thị Trấn là người được đào tạo lấy mẫu máu gót chân, tiến hành quy trình lấy mẫu máu xét nghiệm cho cháu bé. 

      

Chị Cao Thị Tâm nữ hộ sinh trạm Ytế Thị trấn lấy mẫu máu gót chân
cho con của sản phụ Nguyễn thị Thìn khối 8. ảnh Lương Quỳnh 
Khối 8 Thị trấn Hưng Nguyên là một trong những khối có tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh tương đối cao. Năm 2013 tại đơn vị khối 8 có 4 trẻ được sàng lọc trong tổng số 7 trẻ sinh ra. Chia sẻ những khó khăn, vất vả trong việc tuyên truyền vận động để sản phụ và gia đình hợp tác  trong việc vận động lấy mẫu máu gót chân cho trẻ, chị Nguyễn Thị Hoa Cộng tác viên Dân số- KHHGĐ khối 8 cho biết: " Là Cộng tác viên Dân số- KHHGĐ kiêm Cộng tác viên Ytế bản thân tôi hiểu tầm quan trọng của việc trẻ sơ sinh được lấy mẫu máu gót chân để phát hiện các bệnh di truyền bẩm sinh. Vì tương lai của các cháu, tôi đã đến từng nhà vận động các sản phụ và gia đình. Tuy vậy, bên cạnh một số gia đình hợp tác thì một số sản phụ và gia đình còn e ngại vì sợ con đau ."

Năm 2013, đơn vị Thị trấn có 130 trẻ sinh ra, nhưng chỉ có 11 gia đình đồng ý để cán bộ chuyên môn lấy mẫu máu gót chân cho trẻ.  Để đề án triển khai có hiệu quả cao, đạt được các mục tiêu đề ra bên cạnh sự nỗ lực của ngành Dân số-KHHGĐ rất  cần sự phối hợp của các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Các bậc cha mẹ  cần chuyển đổi nhận thức và hành vi để  những đứa trẻ thông minh, khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.                  

       Với mong muốn  đem đến niềm vui cho nhiều gia đình và vì lợi ích tương lai của trẻ thơ; Hạn chế tỷ lệ trẻ sinh ra bị tàn tật, khuyết tật trên địa bàn. Trong thời gian tới, đơn vị Thị trấn sẽ tích cực  tư vấn, vận động để triển khai thực hiện đề án hiệu quả.                                                                                                                 

                                                       Lương Quỳnh
                                        Trung tâm Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên