[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Xuân Giáp Ngọ - Nghĩ về người nông dân

Xuân Giáp Ngọ - Nghĩ về người nông dân

 Năm Giáp Ngọ đang gần kề, đây là khoảng thời gian để chúng ta “ôn cố tri tân”, để tỏ bày những suy nghĩ về một năm đã qua với nhiều vấn đề đời sống, xã hội. Trong không khí ấy, Trang dansohungnguyen xin giới thiệu đến quý độc giả bài viết của tác giả Văn Hùng “Xuân Giáp Ngọ - Nghĩ về người nông dân”.
Người Việt Nam hình như ngày càng thích nói chuyện nhiều hơn về 12 con Giáp thì phải?. Câu chuyện này hoàn toàn không phải là chuyện mê tín mà đã là câu chuyện văn hoá của nhân loại khi nói về từng con vật (con Giáp) tương ứng với từng năm, với tuổi mỗi người. Từ trước đến nay, tồn tại quan niệm, ai đó sinh vào năm con Trâu, năm con Ngựa phàm là vất vả (!). Con Trâu lại gắn với nông thôn, nông dân, nông nghiệp nên suy ra phàm tuổi Trâu là phải làm quần quật như con Trâu, làm như người nông dân - bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời; Trâu là biểu hiện của lạc hậu trì trệ: con trâu đi trước, cái cầy theo sau…Tương tự khi nói về con Ngựa cũng vậy. Cứ để rồi ngẫm xem sao?

 “Người nông dân hiện đang còn phải đối mặt bởi những thách thức của cuộc sống đương đại”

Với đất nước, dân tộc, những năm đó xem ra cũng dễ gặp khó khăn. Thực tế cuộc sống mấy năm gần đây, không chỉ nước ta mà cả thế giới đều lâm vào khủng hoảng kinh tế, hầu hết các quốc gia đều chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Nước nào càng hội nhập sâu rộng càng chịu ảnh hưởng nhiều hơn “cơn bão” khủng hoảng ấy. Việt Nam cũng là quốc gia không nằm ngoài quy luật này.

Năm con Rắn chuẩn bị đi qua. Ai cũng nghĩ con Rắn không long đong bằng con Trâu, con Ngựa nhưng xem ra năm qua kinh tế đất nước gặp không ít khó khăn, hơn cả năm trước. Trong dòng chảy khó khăn đó, người nông dân cũng phải cùng chia sẻ khó khăn với cộng đồng, xã hội, tự mình tìm mọi cách vượt qua khó khăn để tồn tại.

Mới đây, tại cuộc hội thảo “ Chân dung người nông dân Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập”, nhiều ý kiến chân tình, thẳng thắn được bộc bạch. Khẳng định sự đổi thay về chất của nông dân, nông nghiệp, nông thôn nhờ thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới, Nghị quyết “ Tam nông” của Đảng đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, trong đó cần phải nhắc đến chương trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương đã mang lại bộ mặt mới, cuộc sống mới cho người nông dân. Những nỗ lực của Chính phủ đầu tư cho nông nghiệp (huy đông cả nguồn vốn nước ngoài); xây dựng cánh đồng liên kết sản xuất lúa theo xu hướng hiện đại, hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp...đã mang lại nhiều niềm vui cho nông thôn. Nhiều gia đình nông dân khó khăn nhưng nhờ có các chương trình như lục lạc vàng, cùng nông dân làm giàu; các dự án liên kết ba nhà…cũng là lối thoát khỏi đói nghèo cho nông dân…Nông dân, giờ con cái của họ, ai học hành phấn đấu tiến bộ thành danh nghiễm nhiên sẽ ra đô thị sinh cơ lập nghiệp, có người đi ra nước ngoài làm việc dưới các ngành nghề khác nhau. Nhờ đó, họ có thu nhập để giúp cho người thân quê nhà thay đổi cuộc sống - từ nhà tranh vách đất lên nhà xây gạch mái ngói đỏ tươi,có xe máy, có ti vi và nhiều phương tiện vật dụng khác có giá trị phục vụ cuộc sống tuy số gia đình được như thế cũng còn khiêm tốn.


So với mặt bằng chung của xã hội, như Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam nhận xét - nông dân phải chịu 5 nhất: Đông nhất, hy sinh đóng góp nhiều nhất, hưởng lợi từ thành quả đổi mới ít nhất và có nhiều bức xúc nhất. Lại nữa, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết “Tam nông” cũng có nhận định khái quát rằng: mục tiêu cao, đầu tư chưa đủ, chính sách nửa vời; nông nghiệp bấp bênh, nông dân thiệt thòi, nông thôn thả nổi? Xem ra các ý kiến ấy có phần căng thẳng, nhưng đều xuất phát từ mong muốn có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể từ trung ương để  nền nông nghiệp nước nhà có những chuyển biến sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội  khóa XIII, nhiều nội dung chất vấn các tư lệnh bộ, ngành đều liên quan đến nông dân: nạn lừa đảo trong xuất khảu lao động, buôn bán phụ nữ, quy hoạch thủy điện, xả lũ; các dự án quy hoạch treo, nông dân không có ruộng; được mùa nhưng mất giá; làm ra sản phẩm nhưng không có thị trường, ô nhiễm môi trường: sông ngòi, ao hồ… Đi cùng khó khăn về đời sống kinh tế là tiêu cực (tệ nạn) đang diễn ra trong nông thôn: nghiện hút, cờ bạc, thất nghiệp.

Đó là những gì cần chia sẻ với người nông dân hiện đang còn phải đối mặt bởi những thách thức của cuộc sống đương đại.

Cũng phải nhận thấy một thực tế là, Năm Quý Tỵ, nông dân là triệu phú, tỷ phú không còn là chuyện hiếm thấy. Trong cái khó ló cái sáng tạo là thế. Nông dân ở các địa phương trồng hoa cho cả nước, nông dân làm vườn, trồng rừng, trồng rau, thả cá chăn nuôi tuy có lúc gặp trục trặc từ khách quan nhưng nếu có tư duy khoa học, dám dấn thân, không khuất phục trước những thất bại, nắm bắt quy luật thị trường, ứng biến linh hoạt, khôn khéo nên họ đã “tự cứu được mình”. Những tấm gương sáng tạo trong khoa học nông nghiệp để làm nên sự no ấm phồn vinh cho nhà nông lại từ những nông dân chất phác, chân lấm tay bùn chứ không hẳn là nhà khoa học nhiều bằng cấp. Thật đáng khâm phục và tôn kính.

Những hạn chế kể cả trong chính sách và điều hành kinh tế- xã hội; thiệt thòi và khó khăn của người nông dân đã và đang được Đảng, Chính phủ lo lắng, tìm cách tháo gỡ. Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ tại Kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII đã có những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc để nông nghiệp nước nhà phát triển, trong đó người hưởng lợi trước hết là nông dân. Quy hoạch lại thủy điện, thông qua Luật đất đai sửa đổi, Hiến pháp 2013 sửa đổi đều hướng đến vì lợi ích của nhân dân, trong đó có rất nhiều quyền lợi dành cho nông dân.

Năm Quý Tỵ đang qua, năm Giáp Ngọ đang đến, giữa thời thiêng liêng của năm cũ và năm mới điều cần có là NIỀM TIN. Đó là nguồn động lực sống của mọi người. Thiếu NIỀM TIN là mất tất cả.

Nhiều tổ chức thế giới tiếp tục công nhận Việt Nam là quốc gia đi đầu trong thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo và thành công nhất. Tỷ lệ đói nghèo của nước ta giảm đến con số lý tưởng. Và đương nhiên, người nghèo là nông dân vẫn chiếm tỷ lệ cao. Việt Nam vẫn đang giữ ngôi đầu về sản lượng lương thực xuất khẩu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực.  Một số nước gặp khó khăn hoạn nạn Việt Nam , trong sự giúp đỡ vô tư đầy tình nghĩa của mình, có lương thực. Đó là tình đồng loại của người nông dân chia sẻ. Vậy nên, dù còn muôn vàn khó khăn đang chờ ta phía trước nhưng NIỀM TIN xua tan nghèo đói để sớm tất cả mọi người dân Việt Nam có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành hoàn toàn có cơ sở hiện thực không thể phủ nhận.

Tự hào về dân tộc mình, người NÔNG DÂN vẫn là lực lượng quan trọng cùng với các lực lượng khác trong xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng phấn đấu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.


                                               VĂN HÙNG  
                   Ban Tuyên Giáo Trung ương
( Nguồn: http://e-info.vn)