[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Nâng cao chất lượng Dân số - thực trạng và giải pháp

Nâng cao chất lượng Dân số - thực trạng và giải pháp

Trong những năm qua các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội hết sức quan tâm và coi trọng công tác Dân số-KHHGĐ và đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng dân số. Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện chiến lược Dân số, chất lượng dân số Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Chỉ số phát triển con người đã tăng từ mức trung bình lên khá cao, thu nhập bình quân đầu người tăng 3,13 lần so với năm 1990, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi liên tục giảm đều qua các năm, các chương trình sàng lọc trẻ sơ sinh đã tăng cường khả năng tiếp cận để phát hiện… Việt Nam chúng ta được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một trong những quốc gia đạt nhiều tiến bộ trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Đ/c Nguyên Kim Bảng, Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện triển khai kế hoạch chiến dịch
CSSK/KHHGĐ năm 2013, một trong những nội dung góp phần nâng cao chất lượng dân số - Ảnh Hồng Điệp
Chúng ta không thể phủ nhận những thành quả đã đạt được trong thời gian qua. Song nhìn ở hiện tại và trước mắt đất nước ta đang phải đối mặt với “ chướng ngại vật” nổi cộm đó là vấn đề chất lượng dân số thấp. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nước ta có khoảng trên 5 triệu người tàn tật, chiếm khoảng 6,3% dân số; Tỷ lệ dân số bị thiểu năng thể lực và trí tuệ chiến khoảng 1,5%; Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn ở mức trên 20% ; Tỷ lệ tử vong mẹ cao so với một số nước trong khu vực và Châu Á; Tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn khoảng 20%, cả nước còn tới 11.058 hộ không có nhà ở, gần 23% số hộ ở nhà tạm, đơn sơ, 22% số hộ chưa được dùng điện, mới chỉ có khoảng 12,7% số hộ được dùng nước máy, vẫn còn tới 27.713 hộ sống trong diện tích bình quân dưới 2m2/đầu người. Ở nông thôn chỉ có khoảng 16,5% số hộ có phương tiện sản xuất. Sự bền vững của gia đình bị tác động mạnh bởi tỷ lệ ly hôn, sống độc thân có xu hướng tăng, tình trạng trẻ em thiếu bố hoặc mẹ, trẻ em lang thang và các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn nghiện hút đã tăng lên do sự biến đổi của gia đình và xã hội.
Tốc độ gia tăng dân số nhanh làm cho mật độ dân số cao ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Ở Nghệ An chúng ta chất lượng dân số trong độ tuổi lao động nhất là thanh niên còn nhiều vấn đề cần quan tâm cả về thể lực trí tuệ và tinh thần.
Có nhiều nguyên nhân làm cho chất lượng dân số thấp mà trước hết là do mức sinh chưa ổn định, dân số tăng nhanh, an sinh xã hội còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, môi trường độc hại, lối sống, phong tục, những dị tật bẩm sinh không được phát hiện để chữa trị sớm…
Thực trạng này đã và đang tạo ra sức ép ngày càng lớn đến chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Nhân tháng hành động vì chất lượng cuộc sống “ Đầu tư cho công tác dân số-KHHGĐ là đầu tư cho sự phát triển bền vững”; chúng tôi muốn trao đổi cùng quý vị và các bạn giải pháp để nâng cao chất lượng dân số.
 Thứ nhất: Cần khuyến khích thực hiện quy mô gia đình có một hoặc hai con, duy trì mức sinh thay thế thấp, để có quy mô cơ cấu dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3. Vận động tạo sự cam kết ủng hộ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể đảm bảo nguồn lực góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Thứ hai: Cần đẩy mạnh tư vấn tiền hôn nhân; cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên. Vận động tăng sự chấp nhận của các bậc cha mẹ  sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại cộng đồng…
Thứ ba: Khuyến khích và phát triển nhân tài, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, có chế độ đãi ngộ, tôn vinh và thu hút nhân tài. Đặc biệt đầu tư nguồn nhân lực và tài lực cho công tác dân số-KHHGĐ nhằm nâng cao chất lương dịch vụ dân số-KHHGĐ.
Thứ tư: Ngăn chặn mất cân bằng giới tính khi sinh bằng các chính sách cụ thể nhằm nâng cao vị thế phụ nữ và trẻ em gái đảm bảo bình đẳng giới.
Thứ năm: Đảm bảo hệ thống cán bộ chuyên trách các cấp đủ mạnh để thực hiện quản lý  và điều hành các nội dung nâng cao chất lượng dân số.
Nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu lớn trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay, và là yêu cầu nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới đòi hỏi phải có sự vào cuộc lâu dài qua nhiều thế hệ và kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, của từng gia đình và của mỗi người dân. Chất lượng cuộc sống gia đình tuỳ thuộc vào sự quyết định đúng đắn của mỗi cặp vợ chồng. Hãy dừng lại ở 2 con để nuôi dạy con tốt./.
Cao Thị Nhung
Trung tâm Dân số-KHHGĐ