[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Dự kiến trình Quốc hội Dự án Luật Dân số vào năm 2014: Chính sách bền vững trong tương lai

Dự kiến trình Quốc hội Dự án Luật Dân số vào năm 2014: Chính sách bền vững trong tương lai

“Cần tránh coi chính sách dân số là kiểm soát dân số. Chính sách dân số cần phải dựa trên quyền” – GS. Gavin W.Jones (Chuyên gia Quốc tế của UNFPA, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á, Trường ĐH Quốc gia Singapore), với kinh nghiệm nghiên cứu luật pháp của các nước châu Á, đã chia sẻ như vậy.

Ý nghĩa nhân văn lớn lao

Hầu hết các chuyên gia tham dự các Hội thảo chuyên đề về xây dựng Dự án Luật Dân số đều đồng tình với quan điểm này của GS. Gavin. Ở các bài viết mà GĐ&XH đã từng đề cập, vấn đề có nên xem quy định “KHHGĐ là biện pháp chủ yếu để điều chỉnh mức sinh” đã được các chuyên gia đặt ra. Bên cạnh đó, theo quy định của Điều 19 Pháp lệnh Dân số (PLDS), có 3 biện pháp thực hiện KHHGĐ. Theo đánh giá, những biện pháp này là đầy đủ, có ý nghĩa nhân văn và sớm đảm bảo cho sự bền vững, nhưng việc thực hiện khó khăn hơn, lâu dài hơn, chi phí tốn kém hơn để đối tượng chuyển đổi hành vi, chấp nhận và thực hiện KHHGĐ.
“Kinh nghiệm của một số ít quốc gia trong giai đoạn đầu đã sử dụng biện pháp hành chính, pháp luật để kiểm soát sinh sản thông qua chỉ tiêu bắt buộc, các hình thức đăng ký, cấp thẻ và các biện pháp chế tài cưỡng bức thì tuy có giảm nhanh mức sinh, nhưng không kiểm soát được quá trình sinh sản thực tế của nhân dân, không đảm bảo cho sự bền vững trong tương lai và đôi khi còn có tác dụng ngược đối với tình hình chính trị, xã hội” – ông Đinh Công Thoan – Nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Tổng cục DS-KHHGĐ), Thành viên Ban soạn thảo và tổ biên tập Dự Luật, khẳng định.
Tại Việt Nam, kết quả thực hiện biện pháp tuyên truyền, tư vấn, giúp đỡ và cung cấp các dịch vụ KHHGĐ, kể từ khi ban hành PLDS cho đến nay, được đánh giá là khá tốt, bảo đảm số lượng, chất lượng, đa dạng về hình thức, thuận tiện, an toàn và đến tận người dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Thoan, kết quả thực hiện biện pháp khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần, thực hiện các chính sách bảo hiểm lại có phần hạn chế hơn. Cụ thể, các hướng dẫn hiện hành chỉ có khuyến khích tập thể, cá nhân, cộng đồng tích cực thực hiện KHHGĐ, nhưng mức khuyến khích thấp, số lượng ít, phạm vi hẹp. Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm hiện nay chỉ dành cho đối tượng triệt sản, khuyến khích tinh thần chỉ là động viên, nêu gương, chưa có hình thức vinh danh.


(Luật Dân số ra đời sẽ có những qui định chặt chẽ hơn trong việc KHHGĐ của mỗi công dân. Ảnh: P.V)

 
Nhắc lại quyền và  nghĩa vụ trong việc thực hiện KHHGĐ

Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của PLDS nêu rõ: Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản: Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.
Cuộc vận động DS - KHHGĐ được xác định tại nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước, nêu các quy định về quyền, nghĩa vụ hoặc trách nhiệm của các cặp vợ chồng, cá nhân trong việc quyết định thời gian sinh con, khoảng cách sinh con, số con và thực hiện các biện pháp chăm sóc SKSS đều mang tính hướng dẫn, nhắc nhở, khuyến khích thực hiện.
Tuy  nhiên, việc sinh nhiều con trong khi nền kinh tế còn nghèo sẽ ảnh hưởng xấu đến sự hưng thịnh của quốc gia và đòi hỏi đảng viên, công chức Nhà nước phải gương mẫu đi đầu trong việc kiểm soát sinh sản. Đến nay, biện pháp xử lý người sinh nhiều con chỉ áp dụng đối với đảng viên, không áp dụng đối với tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân.
Về vấn đề tuyên truyền và tư vấn KHHGĐ, ông Đinh Công Thoan chỉ ra rằng: PLDS quy định về phạm vi thông tin về dân số, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuyên truyền và tư vấn KHHGĐ, góp phần thực hiện tốt giải pháp tuyên truyền và tư vấn về KHHGĐ. Tuy nhiên, “PLDS chưa quy định về điều kiện, quy trình tuyên truyền và tư vấn, nên khó xác định được cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật việc tuyên truyền, tư vấn và nội dung tuyên truyền, tư vấn” – ông Thoan thẳng thắn.
“Trong bất cứ trường hợp nào, phá thai cũng không được coi là một biện pháp KHHGĐ” – ông Đinh Công Thoan khẳng định khi đề cập đến vấn đề phá thai. Điều này ông càng nhấn mạnh hơn trong bối cảnh tình hình phá thai ở Việt Nam được xếp vào nhóm nước có tỷ lệ phá thai cao trên thế giới. Đáng lưu ý là tỷ lệ phá thai ở nhóm vị thành niên, thanh niên chiếm rất cao, có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng của nền kinh tế mở, với lối sống tự do, phóng khoáng phương Tây.
Ông Thoan phân tích thêm: “Mục đích giảm phá thai là nhằm bảo vệ sức khỏe phụ nữ; bởi hậu quả phá thai rất nặng nề, nó làm suy giảm sức khỏe, tổn thương tinh thần, nguy cơ mất máu, thủng tử cung, gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục, có thể gây biến chứng dẫn tới vô sinh, đặc biệt đối với vị thành niên”.
Tỷ lệ nạo phá thai không an toàn cao, theo ông Thoan là do nhiều nguyên nhân; Trong đó việc quy định cởi mở của pháp luật cho phép phá thai quá tự do, trong khi người dân lại thiếu ý thức, thiếu hiểu biết về hậu quả của phá thai không an toàn. Trong trường hợp buộc phải phá thai thì phải được phá thai an toàn và trong mọi hoàn cảnh, phụ nữ cần được tiếp cận với dịch vụ có chất lượng để quản lý các biến chứng. Do đó, ông Thoan đề xuất: Cần bổ sung quy định về tư vấn trước, trong, sau khi phá thai; điều kiện, trình tự, thủ tục phá thai và điều kiện, trách nhiệm của cơ sở y tế thực hiện phá thai an toàn.

Theo Báo Điện tử Gia đình và xã hội (nguồn:http://duthaoonline.quochoi.vn) 
Võ Thu