[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Bảo tồn chữ “Hiếu” trong gia đình Việt thời nay

Bảo tồn chữ “Hiếu” trong gia đình Việt thời nay

QĐND - Một trong những yếu tố quan trọng cấu thành xã hội là tổ chức gia đình, gia đình ổn định là cơ sở bảo đảm cho xã hội hài hòa và phát triển. Trong xu thế hội nhập thế giới, giữ gìn những nét đẹp gia đình truyền thống là việc hết sức quan trọng góp phần ổn định, phát triển xã hội và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Gia đình truyền thống Việt Nam hình thành trong chế độ phong kiến với tư tưởng Nho giáo chi phối, nên theo lễ nghĩa Nho giáo. Thiết chế gia đình truyền thống có nhiều nội dung nhưng có các nội dung cơ bản là:
Thứ nhất, gia đình truyền thống Nho giáo lấy “Hiếu Đễ” làm nội dung cốt lõi. “Hiếu” là chuẩn mực đạo đức cao nhất của con người, là đạo đức của con đối với cha mẹ, với ba điều cơ bản: Tôn trọng cha mẹ, không làm nhục cha mẹ, nuôi dưỡng cha mẹ. “Đễ” là nhường nhịn, hòa thuận trong mối quan hệ anh em trong gia đình. Những chuẩn mực ấy có ý nghĩa quyết định gia đình truyền thống ổn định và phát triển bền vững cùng với sự phát triển của dân tộc.
Làng quê yên bình (ảnh chụp ven thành phố Lạng Sơn, nhìn từ Thành nhà Mạc). Ảnh: Đức An.
Thứ hai, gia đình truyền thống coi trọng việc giáo dục trong gia đình hay còn gọi là gia giáo. Ngày xưa, trong xã hội phong kiến, ngoài thiết chế giáo dục Nho học thì giáo dục trong gia đình là yếu tố cơ bản, nhất là những gia đình nghèo không có điều kiện đến trường. Ở đó, con người được cha mẹ, anh em, người lớn trong xóm làng dạy bảo những điều như: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cha nhân từ, con hiếu thảo, chồng vợ thủy chung, anh em nhường nhịn... để con người hoàn thiện nhân cách. Trong điều kiện xã hội nông nghiệp, lạc hậu, những gia đình lao động nghèo khó không có điều kiện học ở trường thì việc giáo dục trong gia đình truyền thống Việt Nam như vậy là cần thiết.
Thứ ba, gia đình truyền thống coi trọng quyền gia trưởng của người đàn ông trụ cột. Trong gia đình, người đàn ông có quyền sai khiến, còn vợ con chỉ có việc chấp hành. Tư tưởng “phu xướng, phụ tùy” (chồng nói, vợ nghe theo) đã trở thành nếp nhà, từ đó cũng tạo nên thói quen trong con cái phải biết vâng lời cha mẹ. Người phụ nữ trong gia đình truyền thống bị xem nhẹ như trong việc thừa kế tài sản, địa vị thấp kém...
Như vậy, nếu bỏ qua những hạn chế thì gia đình truyền thống có những giá trị nhất định, góp phần tích cực trong việc xây dựng một thiết chế xã hội nhỏ nhất - gia đình ổn định, hài hòa tạo cơ sở cho xã hội phát triển. Thực chất, thực hiện tốt chữ “Hiếu” chính là giải quyết tốt mối quan hệ người với người trong gia đình dựa trên cơ sở huyết thống gần. Hiện nay, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa cũng chính là giải quyết mối quan hệ người với người ở phạm vi lớn hơn gia đình, đó là phạm vi xã hội và dựa trên cơ sở huyết thống xa (tính nhân loại). Gia đình truyền thống bắt buộc mỗi người thực hiện tốt “Hiếu” để bảo đảm gia đình ổn định, mà gia đình ổn định là cơ sở để xã hội ổn định. Thực hiện chữ “Hiếu” cũng chính là thực hiện tình yêu thương huyết thống gần và đó là cơ sở để thực hiện tốt tình yêu thương với những người huyết thống xa. Những chuẩn mực đạo đức cơ bản của mỗi con người, cũng như việc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình là cơ sở xây dựng quan hệ ứng xử trong xã hội như: Kính trên, nhường dưới, tôn trọng phép tắc cộng đồng... Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu phạm trù Hiếu, Trung trong Nho giáo để xây dựng đạo đức cách mạng.
Trong giai đoạn hiện nay, trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, đô thị hóa, công nghiệp hóa, văn hóa phương Tây du nhập... gia đình Việt Nam có những biến đổi rất lớn, đó là:
- Kết cấu gia đình truyền thống đang bị phá vỡ, cụ thể là mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, chồng với vợ, anh chị với em, ông bà với cháu, bà con họ hàng thân thích ngày càng lỏng lẻo, đó là cơ sở cho phát triển “cái tôi”, “vị kỷ”, thiếu quan tâm lẫn nhau... trong mỗi con người. Trong thời kỳ công nghệ thông tin, mỗi người có một phương tiện điện thoại, máy tính... có thể liên kết với thành viên khác ngoài gia đình, với các thú vui giải trí, đọc truyện, xem phim... đã tạo ra khoảng cách giữa các thành viên gia đình ngày càng xa.
- Chữ “Hiếu” có nguy cơ, thách thức bị mai một, cụ thể trong xã hội đã xuất hiện tình trạng khá phổ biến chứ không còn là cá biệt như: Con cháu không tôn kính cha mẹ, ông bà; từ chối, lẩn trốn trách nhiệm nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ; không vâng lời dạy dỗ, khuyên bảo của ông bà, cha mẹ; có những hiện tượng mắng mỏ, đánh đập ông bà, cha mẹ, thậm chí là giết cha mẹ, ông bà; những tín ngưỡng đạo thờ tổ tiên bị biến dạng, không còn nguyên nghĩa của đạo “uống nước nhớ nguồn”. Như trên phân tích, nếu chữ “Hiếu” mai một thì đạo đức của mỗi người trong gia đình đã bị suy thoái, cơ sở cho gia đình ổn định, xã hội phát triển đã bị thách thức và như vậy ảnh hưởng đến định hướng xây dựng xã hội chủ nghĩa như Đảng ta đã chỉ ra những thách thức: Đạo đức suy thoái, chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
- Vai trò, phẩm chất cơ bản của mỗi thành viên, đặc biệt là của người đàn ông trụ cột gia đình ngày càng có những biểu hiện suy thoái, đó là sống buông thả, ăn chơi sa đọa, tham nhũng, hiện tượng “ông ăn chả, bà ăn nem” khá phổ biến... Từ đó, trong gia đình thiếu tính chuẩn mực cho con cái noi theo, thiếu định hướng cho con cái sống lẽ sống cao đẹp, vai trò giáo dục trong gia đình ngày càng giảm sút, xuất hiện tình trạng “khoán trắng” cho nhà trường và xã hội.
- Hiện nay, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã phát triển sâu rộng và đạt được những thành tựu nhất định, tuy vậy nhiều địa phương vẫn còn mang nặng hình thức, chạy đua về chỉ tiêu, chứ chưa đi vào nội dung của việc xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ mới.
Trước thực trạng đó, cần bảo tồn tồn các giá trị văn hóa trong gia đình vì nó là cơ sở để bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập. Do vậy, trước hết mỗi gia đình cũng như toàn xã hội cần có những giải pháp cụ thể, đó là:
+ Trước hết, các địa phương cần xây dựng kế hoạch về xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới với tiêu chí bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống dân tộc, đặc biệt việc thực hiện chữ “Hiếu”, tôn trọng người già, quý trọng tình cảm anh em ruột thịt, tương thân, tương ái với bà con. Các địa phương cần tạo cơ sở kinh tế cho việc chăm sóc người già như xây dựng các trại dưỡng lão, con cái tạo điều kiện cho cha mẹ có vốn dưỡng già. Thực hiện điều này là cơ sở để thực hiện chủ trương của Đảng: “Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ".
+ Thứ hai, xây dựng gia đình cần chú ý các tiêu chí cơ bản: Thứ nhất là tổ chức gia đình phù hợp với gia cảnh, hài hòa với xã hội. Thứ hai là xây dựng gia phong-tác phong, lối sống phù hợp với thời kỳ công nghiệp nhưng phải bảo đảm quan hệ gia đình bền chặt. Thứ ba là hình thành gia pháp, quốc gia có quốc pháp thì xã hội mới yên ổn, gia đình cũng cần có gia pháp thì trật tự lễ nghĩa mới được gìn giữ như: Cha nghiêm, mẹ từ, anh nhường, em nhịn...; nghi thức gia đình phải phù hợp với văn hóa mới.
+ Thứ ba, về phía các bậc cha mẹ, ông bà, cần phải nghiêm túc thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức của mỗi người ở mỗi vị trí trong gia đình, cha phải cho ra cha, mẹ phải cho ra mẹ, con phải cho ra con, chồng cho ra chồng, vợ cho ra vợ, anh cho ra anh, em cho ra em... Ông bà, cha mẹ phải trở thành những mẫu mực về đạo đức, làm tấm gương để con cháu noi theo.
+ Thứ tư, cần nâng cao nhận thức về phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đó là cần chú trọng về nội dung của cuộc vận động, cần nhìn thẳng vào thực trạng ở các địa phương trên cả nước chạy theo hình thức, theo chỉ tiêu. Nếu không thận trọng về tiêu chuẩn, không đi vào nội dung thực chất thì những tấm giấy chứng nhận “gia đình văn hóa” sẽ làm cản trở đến việc phát huy và bảo tồn những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống.
Tóm lại, xây dựng gia đình trong giai đoạn hiện nay cần tiếp thu, kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, ở đó đã để lại cho dân tộc ta những bài học kinh nghiệm quý báu.
Tiến sĩ PHẠM ĐÀO THỊNH (Trường Đại học Sài Gòn)
( nguồn: http://www.baomoi.com)