Hiện nay, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong đời sống xã
hội. Vấn đề sinh con thứ 3 trở lên đang khá nhạy cảm đặc biệt là “chuyện sinh con một bề”. Không ít người
vẫn sinh con trai bằng mọi giá. Hậu quả để lại là nhiều gia đình lâm vào
cảnh đông con, nợ nần, túng thiếu, hạnh
phúc gia đình tan vỡ. Nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều trường hợp chấp hành
tốt chủ trương chính sách về dân số - KHHGĐ “ Dừng lại ở hai con” để chăm sóc, nuôi
dạy tốt và để đảm bảo hạnh phúc gia đình. Xã Hưng Phú, thời điểm hiện nay có
349/352 cặp vợ chồng ký cam kết thực hiện tốt chính sách Dân số-KHHGĐ và có 78
cặp vợ chồng sinh con một bề là gái. Điển hình ở xóm 6 xã Hưng Phú có gia đình
anh Phạm Văn Oanh và chị Ngô Thị Hóa.
Cưới nhau với
hai bàn tay trắng, tổ ấm anh
chị chỉ là một ngôi nhà tranh nhỏ để làm chốn ra vào. Nói là nhà nhưng ngày nắng thì
còn đỡ, chứ ngày mưa thì chỗ nào cũng ướt. Trước áp lực nặng nề của gia đình, dòng họ
phải có con trai để nối dõi, bản thân sinh hai con
một bề là gái; nhưng anh chị vẫn xác định chỉ dừng lại ở hai con. Dù áp
lực rất lớn, đôi khi khiến chị chạnh lòng nhưng anh động viên “Quan trọng nhất là hai vợ chồng cùng đồng lòng, nhất trí
với nhau”. Từ đó, hai người đều thấy cần cố gắng hơn nữa để vun vén cho gia
đình được hạnh phúc”.
Anh chị luôn chăm chỉ vào nghề nông nghiệp, chăn nuôi. Thời gian nông nhàn, anh
bươn chải tìm kiếm công việc ngoài thị trường để có thêm thu nhập cho gia
đình. Bằng bản tính siêng năng, cần cù,
chịu khó luôn tìm tòi sáng tạo từ một thợ phụ hiện nay anh đã trở thành chủ
thầu đảm nhận được các công trình lớn với nguồn vốn hàng trăm triệu đồng. Chị
chăm chỉ làm thêm nghề tay trái nấu chè, làm bánh đi chợ thêm thu nhập nuôi con
ăn học.
Khi được hỏi vì sao anh chị không sinh thêm để có con trai con nối dõi
tông đường, anh vui vẻ tâm sự " Vợ
chồng tôi xác định con trai hay con gái cũng là kết tinh từ tình nghĩa son
sắc nghĩa vợ tình chồng gắn chặt bền lâu. Một cô con gái mà ngoan, học
giỏi còn hơn mười anh con trai nghịch
ngợm, phá phách. Do vậy, vợ chồng tôi bàn với nhau kiên quyết dừng lại hai con
nuôi dạy hai con nên người".
Hiện nay, kinh tế gia đình anh chị thuộc diện khá giả trong xóm. Nhờ làm ăn có kế
hoạch, mới gần 40 tuổi nhưng anh
chị đã có một “cơ ngơi” đầy đủ. Nhà cửa khang trang sạch đẹp. Tiện nghi trong
nhà được mua sắm đầy đủ. Cuộc sống khấm khá, anh chị có điều kiện chăm lo sức
khỏe các thành viên trong gia đình, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể và
khu dân cư.
Nhờ thực hịên tốt chính sách
Dân số - KHHGĐ kiên định với lập trường “Dừng lại 2 con để nuôi dạy cho tốt”
nên hai con gái Phạm Thị Thanh Thúy và Phạm Thị Nhật Lệ đều mạnh khỏe, chăm
ngoan. Hai cháu hiện đang học Đại học
kinh tế Hà Nội. Nhiều năm liền cháu đạt
thành tích cao trong học tập. Không chỉ học giỏi, cháu còn là đoàn viên ưu
tú tích cực tham gia các hội diễn văn nghệ, thể dục - thể
thao của trường. Bà con lối xóm ai cũng khen gia đình anh làm kinh tế giỏi, nuôi
dạy con tốt. Gia đình anh chị liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gia đình
văn hoá tiêu biểu” cấp xã
Hai con gái học hành
thành đạt, đây là quả ngọt của sự đoàn kết, chia sẻ, yêu thương cùng nhau vượt
qua mọi khó khăn cũng như niềm vui trong cuộc sống. Đó cũng là bí quyết hạnh
phúc mà mọi người cần học tập để xây dựng gia đình được hoà thuận, hạnh phúc
bền lâu.
Thật tiếc, khi chúng tôi đến nhà thăm gia đình anh chị,
muốn lấy hành ảnh gia đình thì cả hai con đang đi học Đại học ở Hà Nội, anh Phạm Văn Oanh đang đi làm ăn xa, đành phải xin mấy tấm
ảnh cũ của gia đình:
Gia đình Anh Oanh chị Hóa xóm 6 xã Hưng Phú |
Phạm Thị Thanh Thúy và Phạm Thị Nhật Lệ (Phải và trái) đang học Đại học kinh tế Hà Nội |
Bên cạnh gia đình anh Oanh chị
Hóa còn rất nhiều gương gia đình thực
hiện tốt chính sách Dân số- KHHGĐ trong đó nhiều điển hình được suy tôn như:
gia đình anh Hồ Văn Phú, chị Nguyễn Thị Hồng ở xóm 7. Đây là những điển hình
cần nhân rộng trên địa bàn toàn xã.
Xin nhắc lại một điều rằng, hiện nay tư tưởng
trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong đời sống xã hội. Vấn đề sinh con thứ 3
trở lên đang khá nhạy cảm đặc biệt là
“chuyện sinh con một bề”. Không ít người vẫn sinh con trai bằng mọi giá. Hậu
quả để lại là nhiều gia đình lâm vào cảnh
đông con, nợ nần, túng thiếu, hạnh phúc gia đình tan vỡ. Để nâng cao
chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội, mỗi cặp vợ
chồng cần chủ động thực hiện Kế hoạch hoá gia đình. Bên cạnh đó, cần sự quan
tâm của các cấp ủy đảng chính quyền và
các ban, ngành đoàn thể để công tác Dân số-KHHGĐ ở Hưng Phú thành công vững
chắc. Góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn
minh./.
Nguyễn Thị
Giang
Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện