[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Đau lòng chữ hiếu thời nay

Đau lòng chữ hiếu thời nay

(GĐVN) “Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, câu ca dao cũng là lời răn dạy đạo làm người của người Việt từ muôn đời nay.

Theo đó, con cái phải luôn biết ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mà kính yêu, chăm lo, phụng dưỡng cho cha mẹ lúc đau ốm, già nua. Tuy nhiên, cũng có câu: “Mười con không nuôi được một mẹ”. Điều này xuất phát từ thực tế đau lòng thời nay: Không ít người con ghẻ lạnh, đối xử tệ bạc, thậm chí đánh đuổi đấng sinh thành vì coi cha mẹ già như… cục nợ.

Ảnh minh họa
Có 6 người con vẫn phải sống cảnh cô đơn
Nhắc đến câu chuyện nhà bà Đạo (78 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội), hàng xóm láng giềng chẳng ai giấu nổi sự xót xa. Bởi, cả đời hy sinh vì con cái quá nhiều nhưng đến những ngày tháng cuối đời bà Đạo vẫn phải chịu cảnh một thân một mình côi cút. Nhìn căn nhà cấp 4 lợp ngói trống hua trống hoác, trong nhà chẳng có đồ đạc gì đáng giá, bữa ăn chỉ quanh quẩn mấy con tôm, con tép với vài cọng rau quanh vườn, người không biết chuyện hẳn đoán bà Đạo không có con hoặc cái cái ở tận đâu xa lắc. Nhưng thật ra, bà Đạo có tới 6 người con, 4 trai, 2 gái. Chẳng những vậy, hầu hết họ đều sống quanh làng, nhà cửa ai nấy đều khang trang.

Thế nhưng, mỗi khi có ai hỏi đến chuyện con cái, bà Đạo lại nước mắt lưng tròng. Bà bảo, số bà không may mắn sinh ra những đứa con bất hiếu. Thân già như bà, đến cuối đời vì con cũng chẳng được yên ổn, thanh thản. “Nén bạc đâm toạc tình thân”, bà Đạo vẫn ví von trong chua chát như vậy. Bi kịch của đời bà, tất cả cũng chỉ nằm ở chữ tiền.

Chẳng là, chồng bà Đạo mất trong một tai nạn lao động. Tài sản ông để lại cho mấy mẹ con bà chỉ là mấy sào đất. Thế nhưng, đất cát khi ấy theo lời bà Đạo là “có cho cũng chẳng mấy ai muốn nhận”. Bởi thế, để nuôi được 6 đứa con, bà Đạo phải làm việc quần quật. Mảnh vườn rộng bà dùng trồng rau, nuôi thêm gà vịt. Bà còn nhận thêm mấy sào ruộng trả sản cho mấy nhà hàng xóm để đủ thóc ăn. Ngoài ra, những lúc nông nhàn, bà còn làm thuê làm mướn khắp làng. Ai thuê việc gì làm nấy. Từ phu hồ, may vá, cấy hái… bà đều nhận hết, cốt là có tiền. Nhờ sự chăm chỉ, cần cù và nhanh nhạy của bà nên dù khó khăn, mấy đứa con bà vẫn không phải chịu cảnh đói rét. Tất nhiên, việc lo được cho con học hành đầy đủ thì bà chưa làm được. Các con bà hầu hết chỉ học hết lớp 4, lớp 5, người văn hóa cao nhất cũng chỉ qua lớp 6. 

Đến tuổi trưởng thành, các con bà lập gia đình. 4 người con trai đều lấy vợ làng, 2 cô con gái thì lấy chồng làng bên. Ai cũng tấm tắc khen bà Đạo số sướng. Con cái trưởng thành, lại đều sống gần mẹ. Như vậy đến lúc về già được cậy nhờ, gia đình đông vui, quấn quít. Bà Đạo cũng gật gù mãn nguyện. Bởi con bà dù còn nghèo, ai cũng chỉ bám vào nghề nông với mấy công việc làm thuê làm mướn, nhưng đều quan tâm và thương mẹ. Ngoài 4 anh con trai, anh nào cũng nằng nặc mời mẹ về nhà mình ở, 2 cô con gái cách tận 2-3 cây số, cũng thường xuyên qua lại quà cáp cho bà. Bà chỉ cảm nhẹ, hay khục khặc ho là con cái đã xúm xít thuốc thang. Bà Đạo chẳng ngờ, cái hiếu nghĩa ấy của các con bà đều xuất phát từ mảnh đất rộng 200m2 phía sau nhà.

“Tôi nào đâu biết việc bất động sản hay đất sốt gì đâu. Cho đến khi thấy con cái liên tục thủ thỉ, giục giã đất đang đắt, muốn mẹ bán đất chia tiền. Đứa kêu thiếu cái này, đứa kêu thiếu cái kia, nói chung đứa nào cũng than vãn như sắp chết đói đến nơi”, bà Đạo kể.

Ban đầu bà Đạo cũng xuôi tai. Bà nghĩ, mình già rồi, đất cát thì cũng để lại cho con cho cháu chứ có mang được theo đâu. Nay chúng nó thiếu thốn, muốn bán thì mình bán cho chúng có vốn làm ăn. Nghĩ là làm, bà đồng ý cắt hết mảnh đất bán, chỉ bớt lại một khoảnh đất nhỏ, dự định sau làm nhà thờ. Thế nhưng khi cầm số tiền lớn đến gần 4 tỷ trong tay, bà mới biết mình đã sai lầm.

Số là, lúc đầu bà định chia nhỏ ra 4 anh con trai mỗi người một phần lớn, một phần nhỏ bà chia cho 2 cô con gái, còn lại 300 triệu bà giữ lại gửi ngân hàng lấy đồng ra đồng vào lúc tuổi già. Chẳng ngờ, sau khi cầm tiền xong, ai nấy đều tỏ vẻ chẳng hài lòng lại lao vào đấu đá. Anh con cả thì đòi phần hơn vì mình là trưởng, sau này trách nhiệm nặng nề và quyết liệt phản đối việc chia tiền cho 2 cô con gái vì cho rằng, phận đàn bà đã đi lấy chồng là hết. Hai cô con gái cũng chẳng vừa, nhất nhất đòi mẹ chia đều 6 phần bằng nhau vì con nào cũng là con. Chúng cãi nhau, chúng chửi nhau, chúng vác cả cuốc xẻng đánh nhau. Bất lực, đau đớn, tiền thì đã chia, bà Đạo uất ức đến phát khóc. Bà họp lại, bà bảo, bà sẽ chẳng cho đứa nào sất. Lúc ấy, tất cả các con lại quay ra chỉ trích bà. Chúng kết bè kết phái nói xấu mẹ. Nói rằng mẹ tham lam, không cho con cái thì định đem tiền xuống mồ à, rồi cũng vì mẹ mà anh chị em mất đoàn kết. Tất nhiên, số tiền bà đã chia rồi chẳng thế nào lấy lại được nhưng cái đau đớn nhất của bà Đạo là gia đình bà đã tan đàn xẻ nghé.

Có tiền, mấy anh con trai xây nhà cửa khang trang, mua xe máy đồ dùng đắt tiền. Mấy cô con gái cũng xúng xính vàng bạc đeo đầy người, chẳng ai còn nhớ đến bà mẹ già đau khổ. “May mà còn mấy trăm triệu gửi ngân hàng để làm đồng ra đồng vào. Lúc ốm đau có tiền thuốc thang. Chứ cứ trông chờ vào con cái chắc tôi chết. Cả năm nay, đứa nào cũng giận dỗi không đồng ý việc mẹ chia tiền nên chúng nó đều cạch mặt tôi. Không thăm tôi đã đành, đến cả con cái chúng cũng không cho đến. Cả đời tôi sống vì con vì cái, chẳng ngờ đến lúc gần đất xa trời lại phải chịu cảnh này…”, bà Đạo vén tay áo lau những giọt nước mắt lã chã tủi hờn.


Hình minh họa
Hãy nhớ quy luật “nhân quả”
Câu chuyện của bà Đạo chỉ là một trong số những câu chuyện đau lòng mà về việc con cái đối xử bất hiếu với cha mẹ. Ngay cả trên báo chí, những mảnh đời già nua, bất hạnh bị con cái bạc đãi cũng không ít. Từ việc ông cụ ốm yếu bị con cái bỏ ngoài vỉa hè mấy ngày trời đến việc bà mẹ già tố con dâu làm giáo viên nhưng không lần đánh đập mẹ dã man, đuổi bà ra đường. Một bà mẹ khác thì đau đớn gửi đơn lên báo chí cầu cứu vì bị con đánh, chửi, thậm chí hắt cả xú uế vào người mẹ. Và còn rất nhiều những trường hợp cha mẹ ăn xin, ngủ lay lắt trên hè phố Hà Nội cả mấy năm trời vì bị con ruồng rẫy…

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tố Quyên (phó trưởng khoa Xã hội học, Học Viện báo chí và tuyên truyền): "Không xã hội nào coi việc ngược đãi, tàn ác với cha mẹ là bình thường". Việc con cái thiếu trách nhiệm, ruồng rẫy, hắt hủi cha mẹ khi về già hoặc lúc bị đau ốm, bệnh tật là điều không thể chấp nhận được. Hành vi con cái ngược đãi, ruồng rẫy cha mẹ già không còn là chuyện của một cá nhân, hoàn cảnh của một gia đình đơn lẻ mà là một hiện tượng xã hội. Hiện tượng này nếu không được điều chỉnh sẽ để lại những hệ lụy xã hội như hình thành những nhận thức lầm lạc, những ứng xử thiếu văn hóa, những hành vi vô nhân đạo... Và hậu quả lớn hơn là cả một thế hệ "tương lai của đất nước" cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Nếu chúng ta bạc đãi cha mẹ thì đừng bao giờ mong muốn tương lai con cái sẽ hiếu nghĩa với mình. Bởi, con trẻ rất dễ ảnh hưởng bởi những điều xấu của cha mẹ. Chúng có thể không lắng nghe nhưng chúng luôn “căng mắt” nhìn hành động của cha mẹ và dễ dàng học theo. Hay nói ngắn gọn hơn, hãy nghĩ tới luật nhân quả của đạo phật khi đối xử với bậc sinh thành”, một chuyên gia khác khẳng định.

Thanh Tâm GĐ&CS