Trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 4 tuổi trở lên bắt đầu trong giai đoạn hình thành và phát triển tính cách rõ rệt nhất. Ở lứa tuổi này các bé bắt đầu có nhận thức về quyền sở hữu và các lợi ích cá nhân của riêng mình. Chẳng vì thế mà tôi đang vô cùng khổ sở với cậu con trai 6 tuổi ương bướng và ngang ngạnh của mình, khi cháu nhiều lúc làm tôi cảm thấy xấu hổ với người xung quanh bởi tính ích kỉ của cháu. Giằng đồ chơi với bạn, không cho bạn chơi cùng, tỏ ra tức tối và ghen tị khi mẹ chia sẻ chút quan tâm với các em nhỏ khác và rất nhiều biểu hiện đau đầu nhức óc khác ở lứa tuổi bắt đầu ẩm ương của con trai mình mà chưa biết phải đối phó làm sao.
May thay cuối tuần vừa rồi tôi đến thăm cô bạn khá thân hồi cấp hai và có cậu con trai tên Ben cũng trạc tuổi con trai tôi. Ben đang học lớp một ở một trường công và cậu bé tỏ ra chững chạc, người lớn hơn con trai tôi rất nhiều. Ben chơi hòa thuận với các bạn cùng khu phố. Khi cả nhóm bạn chơi đá bóng và đội của Ben bị thua, cậu bé vẫn tỏ ra vui vẻ và khuôn mặt vẫn tươi tỉnh, chẳng như con trai tôi những lúc ấy kiểu gì cũng hậm hực, mặt mũi đỏ gay gắt và gào thét đổ lỗi thua cuộc cho người nọ người kia. Tò mò về cách dạy con của bạn mình, tôi đã “ngã ngửa” ngạc nhiên với những chiêu thức vô cùng đơn giản của cô ấy để điều trị tính ích kỉ ở trẻ nhỏ mà bé nào cũng có.
Dạy con những gì người khác muốn hoặc thích
Khi Ben chơi với các bạn cùng khu hoặc cùng lớp, mẹ Ben luôn khuyến khích Ben và các bạn cùng tự nghĩ và thay phiên nhau quyết định nên chơi trò gì. Lúc thì chơi trò Ben nghĩ ra, lúc thì chơi những trò mà các bạn khác quyết. Lúc nào Ben và các bạn cũng đều rất vui vẻ và chơi hòa thuận với nhau bởi ai cũng có quyền lợi và có sự chia sẻ quyền lợi. Mẹ Ben có bảo với tôi rằng thời gian đầu Ben cũng cảm thấy khó chịu lắm khi bé không phải là người duy nhất quyết định xem nên chơi gì và chơi ở đâu trong nhóm, cháu luôn có biểu hiện muốn cầm đầu mọi cuộc chơi, nhưng dần dần sau khi nghe mẹ giải thích và thấy các bạn cũng không hào hứng nghe lời mình, Ben bắt đầu biết chia sẻ quyền lợi với các bạn nhỏ khác một cách tự nguyện.
Giải thích cảm giác khi bị bạn khác từ chối chia sẻ đồ chơi
Dạy cho bé hết tính ích kỷ không khó (ảnh minh họa)
Thời gian đầu Ben không muốn cho ai chơi đồ chơi của mình. Bạn tôi đã phải chơi trò tình huống với con trai mình
Bạn Minh có xe cẩu rất đẹp, con muốn mượn bạn chơi một chút, nhưng bạn không cho, con rất buồn đúng không?”. Bé sẽ trả lời: “Dạ, đúng ạ”. “Nếu bạn cho con mượn xe cẩu chơi một chút, thì con sẽ trả lại cho bạn sau khi chơi xong, đúng không?”. “Dạ, có”. “À, vậy nếu con là bạn Minh, con không cho bạn mượn xe cẩu chơi, bạn có buồn không?”. “Dạ, có ạ”.
Mẹ Ben đã giúp bé hiểu cảm giác bị từ chối và khiến bé thông cảm với bạn hơn, từ đó sẽ dễ dàng chơi chung cùng bạn một cách hòa động hơn, thân thiện hơn.
Nói không trước các đòi hỏi vật chất của con
Mẹ Ben không bao giờ chiều chuộng con mình một cách thái quá. Mẹ dạy cho Ben hiểu rằng không phải điều gì bé muốn cũng có thể đạt được. Đồ chơi chỉ được mua khi có dịp đặc biệt cũng như phần thưởng chỉ được trao khi bé làm được một điều tốt. Nói không trước những đòi hỏi của con mẹ đã phần nào giúp con tự trị được thói quen đòi hỏi và khư khư giữ lấy đồ vật của mình.
Cho con thấy việc chia sẻ đem lại niềm vui
Khi vui chơi cùng con, mẹ Ben luôn dạy và khuyến khích con mình tham gia các trò chơi đòi hỏi tính tập thể, nhiều người cùng chơi như xếp hình, kéo co…, từ đó Ben tự thấy rằng việc chia sẻ mang lại niềm vui.
Mẹ Ben hay rủ bé cùng thực hiện các công việc hàng như trồng cây, sơn hàng rào, hay rửa xe, lau bàn ghế, tạo cơ hội cho Ben chia sẻ với bạn đồ ăn mà Ben thích. Những cảm xúc chia sẻ đó chắc chắn bé sẽ nhớ mãi và cảm thấy thật sự vui vẻ.
Luôn là tấm gương tốt cho trẻ
Chiêu thức tối quan trọng cuối cùng trong công cuộc trị tính ích kỉ của con chính là bản thân bố mẹ. Mẹ Ben luôn cho Ben thấy sự chia sẻ và giúp đỡ mọi người của chính mình. Từ chính cha mẹ, bé sẽ tiếp thu được bài học tốt nhất cho bản thân mình.
( nguồn:http://vn.nang.yahoo.com)