[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Ghi nhận bước đầu từ đề án “Tăng cường các hoạt động truyền thông Dân số/SKSS/KHHGĐ ở vùng có đông đồng bào giáo dân”

Ghi nhận bước đầu từ đề án “Tăng cường các hoạt động truyền thông Dân số/SKSS/KHHGĐ ở vùng có đông đồng bào giáo dân”

Trong những năm qua, công tác Dân số - KHHGĐ của Hưng Nguyên đã đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác Dân số - KHHGĐ chỉ mới thành công ở những đơn vị có nhiều điều kiện thuận lợi, có mức sinh thấp. Trong khi đó, ở các xã có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo lại đang gặp phải những khó khăn, thách thức cần quan tâm giải quyết.
Năm 2012, Hưng Nguyên là một trong ba huyện, thành, thị xã trên địa bàn Tỉnh Nghệ An được thụ hưởng đề án “Tăng cường các hoạt động truyền thông Dân số/SKSS/KHHGĐ ở vùng có đông đồng bào giáo dân”, đề án bước đầu được triển khai tại hai xã là Hưng Trung và Hưng Tây với các hoạt động truyền thông chính là: Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, thành lập và đi vào hoạt động mô hình câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, hệ thống pa nô, khẩu hiệu…Năm 2013, đề án được mở rộng tại 2 xã Hưng Yên Bắc và Hưng Yên Nam.

Sinh hoạt CLB "Gia đình hạnh phúc" ở xóm Bắc Kẻ Gai xã Hưng Tây - ảnh Cao Nhung

Một buổi sinh hoạt CLB "Gia đình hạnh phúc" Ở xóm 6 xã Hưng Trung - Ảnh Cao Nhung
Xác định được những khó khăn, thách thức trong công tác dân số ở các xã có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa. Song song với việc tổ chức tốt các hoạt động truyền thông của đề án “Tăng cường các hoạt động truyền thông Dân số/SKSS/KHHGĐ ở vùng có đông đồng bào giáo dân”, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở các cơ sở vùng giáo đã tổ chức tốt việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng của Đảng đối với công tác dân số trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, đa số cán bộ, đảng viên đã gương mẫu thực hiện chính sách Dân số- KHHGĐ và tích cực vận động người thân, nhân dân cùng thực hiện. Đồng thời, chính sách Dân số- KHHGĐ đã được các chức sắc tôn giáo quan tâm là điều kiện để người dân công giáo tích cực thực hiện một cách tự giác, nghiêm túc. Có linh mục đã lồng vào trong các bài giảng và các bài giáo lý hôn nhân để khuyên răn giáo dân “sinh con có trách nhiệm”. Nhờ vậy, phần lớn giáo dân đã nắm bắt được những nội dung cơ bản chính sách, pháp luật Dân số-KHHGĐ và tự nguyện đăng ký cam kết thực hiện. Có nhiều tấm gương gia đình giáo dân thực hiện tốt chính sách Dân số-KHHGĐ. Các buổi sinh hoạt câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” luôn thu hút được hơn 90 % hội viên tham gia. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số có nhiều nỗ lực, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai chương trình mục tiêu Dân số-KHHGĐ tại vùng giáo có hiệu quả.  Phối hợp tốt với các ban ngành đoàn thể địa phương. Kết quả, tỷ lệ chấp nhận các biện pháp tránh thai đại tăng lên, tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm đáng kể.
Mặc dù đã có những khởi sắc, song công tác Dân số-KHHGĐ vùng có đông đồng bào giáo dân vẫn còn gặp không ít tồn tại, thách thức. Trong đó, nổi lên vấn đề nhận thức của một bộ phận  cán bộ, đảng viên vẫn còn ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam, khinh nữ, những ràng buộc bởi quan niệm lạc hậu trong cộng đồng. Các tập quán, tín ngưỡng tôn giáo về sinh nhiều con, sinh con trai vẫn còn tồn tại phổ biến trong đời sống giáo dân; Các quy định của giáo hội ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động tuyên truyền vận động.
Để thời gian tới nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dân số vùng giáo nói chung và hiệu quả từ đề án “Tăng cường các hoạt động truyền thông Dân số/SKSS/KHHGĐ ở vùng có đông đồng bào giáo dân” nói riêng, cần phải tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các Cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, tăng cường chỉ đạo thành công việc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, tạo cho nhân dân có cuộc sống no đủ, dân trí được nâng cao, được tiếp cận với nhiều thông tin. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông vận động về Dân số/SKSS/KHHGĐ với nội dung và hình thức phong phú, đặc biệt duy trì tốt mô hình câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”. Bên cạnh đó, phải đặc biệt coi trọng công tác vận động làm chuyển biến trách nhiêm của các giám mục, linh mục và các chức sắc, ban hành giáo. Một giải pháp quan trọng nữa đó là để hoạt động truyền thông Dân số/SKSS/KHHGĐ ở vùng giáo có hiệu quả thì người cộng tác viên dân số cần phải kiên trì và ứng dụng cách tuyên truyền “mưa  lâu thấm đất”. Người công giáo có đức tin rất lớn. Vì vậy, công tác truyền thông, giáo dục các chủ trương, chính sách Dân số - KHHGĐ cần phải kết hợp chặt chẽ với các chức sắc tôn giáo, ban hành giáo và các bậc cao niên, những người có uy tín trong cộng đồng. Có như thế, công tác Dân số-KHHGĐ ở vùng có đông đồng bào giáo dân mới đạt được những kết quả mong muốn./.

Cao Thị Nhung
Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện