Sống ở thành phố đất chật người đông, bình thường người ta lam lũ nuôi hai đứa con đã mệt mỏi nhưng với chị Uyên Phương thì lấy việc nuôi nhiều con là niềm tự hào. Chị lần lượt cho ra đời 10 đứa con bằng phương pháp sinh thường.
Mặc cho chính quyền địa phương ra sức tuyên truyền phòng, tránh thai nhưng chị vẫn đẻ sòn sòn.
Chị Phương cùng đàn con đông đúc
Quyết nuôi con vì mẹ bỏ rơi từ khi lọt lòng
Đến con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TP.HCM gặp lũ trẻ túm tụm chơi với nhau, ai cũng dễ dàng nhận ra đó là những đứa con nhà chị Mén (tên thường gọi của chị Uyên Phương). Ngay khi mới lọt lòng mẹ, chị Mén đã bị ba mẹ ruột đưa vào bệnh viện. Sau đó một người cô ở quận Tân Bình không có con nên xin nhận chị về nuôi. Tuổi thơ của chị Mén bị ám ảnh bởi sự bỏ rơi của cha mẹ.
Từ đó, chị luôn suy nghĩ rằng, nếu sau này có con, nhất định chị sẽ không bao giờ bỏ rơi đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra. Cho dù cuộc sống khó khăn đến đâu, chị cũng cố nuôi con. Lớn lên, chị cũng buôn bán vặt vãnh ở chợ để mưu sinh như bán đậu phộng luộc, bán khoai, bán rau... Sau khi lấy chồng, từ năm 1991 đến 2010 chị lần lượt "sản xuất" 10 đứa con. Đứa cách nhau xa nhất chỉ 3 năm, còn trung bình cứ hai năm một đứa. Đứa lớn nhất của chị Mén đang làm bảo mẫu cho một trường mầm non của quận, đứa thứ hai học cao đẳng du lịch, những đứa còn lại đang học phổ thông, tiểu học hoặc mẫu giáo. Để nuôi con, chồng chị phải đi làm suốt ngày, khi thì chạy xe ôm, khi thì bốc vác hàng cho mấy chủ buôn ở các chợ đầu mối. Còn chị thì bán nước, vừa trông con nhỏ, chiều đi phụ việc nhà theo giờ.
Làm việc cật lực để nuôi con nhưng gia đình chị vẫn gặp khó khăn. Tiền học, tiền ăn uống cho bọn trẻ là gánh nặng cho gia đình. Hiện nay, vợ chồng chị và các con vẫn ở ngôi nhà chung của bà nội. Tiền học hàng tháng cho con chị đóng dần dần cho từng đứa. Song chị vẫn khẳng định: "Cho dù cuộc sống có bần cùng thế nào tôi cũng sẽ không bỏ con mình như ba mẹ tôi. Hồi trước có một người Việt kiều về nhà tôi, họ hỏi mua con tôi và ra giá 3 cây vàng nhưng tôi không bán. Con là khúc ruột mình đẻ ra sao nỡ bỏ đi. Giờ hai vợ chồng tôi xoay đủ cách để nuôi con. Có hôm thiếu học phí, nhà trường mời lên gặp hoài nhưng cũng phải chịu thôi".
Cơ quan quản lý chẳng lẽ bó tay?
Nói về chuyện tại sao lại sinh nhiều con trong thời buổi khó khăn như thế này, trong khi cuộc sống của anh chị lại vất vả, nghề nghiệp không ổn định, chị Phương bảo: "Tôi cũng nghĩ là hồi đầu có hai đứa con gái, muốn có thêm một đứa con trai nên đẻ thêm cho có nếp có tẻ. Nhưng ai ngờ sau đó tôi quên không uống thuốc tránh thai nên dính. Lỡ rồi thì ráng đẻ chứ đi bỏ thai thất đức lắm. Hồi mang thai đứa thứ 3 tôi đã sai lầm khi làm việc quá sức nên bị sẩy thai, chứ không thì năm nay tôi cũng 11 đứa con rồi (!) Nghĩ lại thấy mình cũng giống gà thật...".
Khi chị Phương có đứa con thứ 3 thì ban tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình của phường liên tục tới nhà động viên chị dùng biện pháp tránh thai. Chị cũng nghe lời nhưng sau đó vì bận mưu sinh nên quên. Những đứa con lần lượt lại nối đuôi nhau ra đời. Nhắc đến vấn đề này, từ cán bộ tuyên truyền dân số đến lãnh đạo địa phương cũng lắc đầu bó tay. Theo họ, vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch là tuyên truyền cho người dân hiểu và tự giác thực hiện là chủ yếu chứ không thể ép buộc được.
Ông Nguyễn Quốc Thái, phó chủ tịch UBND phường 17, quận Phú Nhuận cho biết: "Chuyện đẻ mười con của chị Phương là có thật, nhưng phải nói đây là trường hợp hết sức đặc biệt tại phường này từ trước đến nay. Khi chị Phương mang bầu tới đứa thứ 7, chúng tôi cũng có vận động chị triệt sản nhưng vẫn đâu vào đó. Hiện gia đình chị cũng đang nằm trong danh sách hộ nghèo của phường".
Bà Nguyễn Thị Kim Sung, một đảng viên về hưu, từng công tác 14 năm trong công tác tuyên truyền kế hoạch hóa dân số của phường bức xúc nói: "Nhiều năm làm công tác tuyên truyền, vận động đường lối chính sách của Đảng với người dân thì trường hợp của chị Phương làm tôi mệt mỏi nhất. Hồi chị có thai đứa thứ 3, tôi bắt đầu đi vận động chị này dùng biện pháp tránh thai nhưng chị lý sự là chị sinh con thì chị nuôi. Người ta giàu có cái này cái nọ, còn chị thì lấy chuyện sinh con làm niềm vui.
Nhiều lần tôi phát thuốc tránh thai, phát bao cao su nhưng chị vẫn không thực hiện được. Trớ trêu hơn nữa là có lần chị đồng ý đi bệnh viện để triệt sản. Tiền xe ôm tôi cũng bỏ ra cho chị đi, nhưng khổ nỗi đến nơi lên bàn nằm cho bác sĩ làm việc thì chị lại kiếm cớ chạy về. Chúng tôi cũng đã hết cách. Nhiều lần, chị còn đến xin tiền thuốc thang cho con nhưng chị vẫn không thấy được sự vất vả khi đẻ nhiều con, rồi cứ quen với công việc đẻ mà cho ra đều đều. Cán bộ cũng đành bó tay"!?.
Câu chuyện trên chỉ là hy hữu. Họ đã vi phạm luật Dân số, kế hoạch hóa gia đình, chính quyền sở tại cũng không thể vô can trong câu chuyện tương tự, cũng cần phải nghiêm khắc hơn với trách nhiệm quản lý của mình trên địa bàn... Đây cũng là bài học chung không của riêng ai. Đâu có phải chuyện “trời sinh voi, trời sinh cỏ” như các cụ ngày xưa đã nói, mà mỗi gia đình, cả xã hội đều phải có trách nhiệm nuôi dưỡng các cháu thành những công dân có ích cho đất nước.
Lành Nguyễn
(Nguồn:nguoiduatin.vn)