Hiện nay,
trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông đại
chúng đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Do vậy, cán bộ
làm công tác truyền thông Dân số- KHHGĐ không thể đứng ngoài cuộc. Chúng ta cần
phải biết vận dụng các phương tiện truyền thông vào việc truyền đạt các quan
điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Dân số- KHHGĐ đến với đối tượng. Muốn vậy cán
bộ Dân số- KHHGĐ phải có kĩ năng viết tin
bài trên phương tiện truyền thông góp phần truyền tải thông tin nhanh,
hiệu quả.
Đ/c Lương Thị Quỳnh, Viên chức Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Hưng Nguyên - ảnh: Kim Bảng |
Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục
Dân số- KHHGĐ nhấn mạnh tại hội nghị Nâng cao chất lượng truyền thông Dân số-
KHHGĐ: "Trong thời gian qua, chúng
ta truyền thông Dân số-KHHGĐ qua các phương tiện truyền thông đại chúng (đài
truyền hình, truyền thanh, qua băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi…); truyền thông trực
tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượn". Trong thời gian tới, chúng ta cần tận dụng lợi thế của khoa học công nghệ
để đạt hiệu quả nhanh và tốt nhất. Mỗi địa phương cần tính phương án, giải pháp
phù hợp với văn hóa, phong tục, sự phát triển kinh tế và xã hội của mình".
1. Đối
tượng phản ánh của các tin về công tác Dân số- KHHGĐ:
Đối tượng
phản ánh của các tin về công tác Dân số- KHHGĐ là thông tin kịp thời về những
hoạt động của ngành Dân số- KHHGĐ. Nội dung tin là những hoạt động diễn ra còn
mới, thời gian chưa lâu. Tính thời sự và mới mẻ luôn đóng vai trò
quan trọng nhất. Đây đồng thời là mục
đích phản ánh của tin .
Trong lĩnh vực Dân số- KHHGĐ, những cái mới có
thể xuất hiện vô cùng đa dạng, phong phú trong mọi hoạt động của ngành. Ví dụ:
thông tin về hoạt động của ngành Dân số- KHHGĐ nhân một sự kiện: ngày Dân số
Việt Nam 26/ 12; ngày Dân số Thế giới 11/7. Nhân đợt thi đua sôi nổi, một đợt
truyền thông tư vấn cộng đồng, một buổi sinh hoạt câu lạc bộ thành công... Tin phản ánh những sự kiện, sự việc có thật,
tiêu biểu, mới vừa xảy ra, đang xảy ra, sắp xảy ra...có quan hệ và có ý nghĩa
với nhiều người.
2. Các bước viết tin
Để có thể viết được một tin cần tiến hành theo các bước như sau :
a. Lựa chọn sự kiện để viết tin: Đây là
bước đi quan trọng đầu tiên. Một sự kiện được lựa chọn để viết tin phải đáp ứng
được những yêu cầu sau đây: tính chính xác, tính thời sự và tiêu biểu
b. Viết tin:
- Về ngôn ngữ: lựa chọn ngôn ngữ trong sáng,
ngắn gọn, đơn giản giúp người nghe dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ. Tránh dùng từ địa
phương.
- Cấu trúc
câu văn đơn giản. Đặc biệt chú trọng câu mở đầu phải chứa đựng thông tin quan
trọng và cốt lõi của tin. Do vậy câu mở đầu luôn tập trung thông báo sự việc mà
tin phản ánh.
- Bố cục tin
phải chặt chẽ theo nội dung phản ánh.
c. Đặt đầu đề cho tin
- Đầu đề
của tin phải trực tiếp phản ánh nội
dung mà tin phản ánh. Yêu cầu chung của đầu đề tin là phải chứ đựng những thông
tin cốt lõi nhất.
d.
Lựa chọn hình ảnh để minh họa cho tin
- Để tin thêm sống động và giá trị, chúng ta cần sử
dụng thêm hìn ảnh để minh họa cho tin. Hình ảnh
phải diễn tả sinh động, cụ thể một khía cạnh cơ bản nhất, điển hình nhất của
đối tượng được phản ánh. Tấm ảnh đăng kèm tin có nhiệm vụ minh hoạ, bổ sung
thêm thông tin. Phần lời chú thích có nhiệm vụ giải thích cho tấm ảnh và bổ sung những thông tin phụ.
- Một tấm
ảnh đăng kèm tin phải đáp ứng được một số yêu cầu: có nội dung, chủ đề, ý nghĩa rõ ràng. Mang giá trị thông tin thời
sự.Phản ánh được khía cạnh tiêu biểu của sự kiện.
Khi viết
tin có ảnh đăng kèm cần chú ý: Phần
lời chú giải của ảnh thường rất ngắn gọn. Lời và ảnh thống nhất với nhau, bổ
sung cho nhau trong việc phản ánh về sự kiện một cách đầy đủ và chính xác nhất.
Kĩ năng viết tin bài phản
ánh công tác Dân số- KHHGĐ trên phương tiện truyền thông đại chúng là một trong
những kĩ năng quan trọng mà cán bộ Dân số- KHGĐ cần quan tâm và rèn luyện. Đây
cũng là một phương pháp làm truyền thông hiệu quả và cần phát huy trong thời
gian tới./.
Lương
Quỳnh
Trung tâm Dân số-
KHHGĐ Hưng Nguyên