Tôi đã giúp cô con gái biếng ăn nhất nhà vui vẻ hợp tác há miệng như chim non.
Con gái tôi là một cô bé vô cùng đỏng đảnh và “kén cá chọn canh”. Cần phải nói, trẻ con đứa nào đến tuổi đi mẫu giáo tầm 3-5 tuổi đều lười ăn và ham chơi vô cùng. Con gái tôi cũng không ngoại lệ. Con bé chỉ cần ngày đưa vội 1,2 thìa cơm là lại có sức chạy nhảy đến khuya. Hôm nào có cà rốt, súp lơ thì dứt khoát không ăn. Hôm nào có trứng rán thì ăn được hết bát. Vậy nhưng tôi không thể nào cứ cho con ăn mãi một món.
Tôi thì luôn kiên nhẫn với con trong việc ăn uống nhưng bố nó thì không được như vậy. Hậu quả là Nhím đã rất nhiều lần phải “bát cơm chan nước mắt” khi vừa ăn vừa có bố lăm lăm cây roi bên cạnh. Đương nhiên là ông xã không đánh con, vậy nhưng theo anh, không nghiêm thì con bé chẳng bao giờ ăn hết được bát. Bữa trưa nào của gia đình tôi cũng um xùm đến mức cả mấy nhà hàng xóm cùng chung cư đều biết.Nhiều hôm, nhìn cả nhà đã ăn xong đi ngủ mà con gái vẫn ngồi ôm bát cơm nguội ngắt, 2 giờ chiều còn chưa xúc xong mà tôi thấy thương vô cùng. Tôi luôn muốn con háo hức khi đến giờ ăn, mỗi bữa ăn là một niềm vui chứ không phải là một cuộc chiến. Trẻ con cần phải được “xin” bố mẹ cho ăn chứ không phải là bố mẹ lạy lục, quát tháo, nịnh bợ để con chịu ăn.
Tôi quyết định phải “đại cách mạng”. Tôi biết, nhiều món ăn thực ra rất ngon nhưng Nhím dứt khoát không chịu ăn thử và cảm nhận mùi vị của chúng. Tôi bắt đầu dành chút thời gian thay đổi cách mình cho bé ăn. Không phải là một bát âu to, cơm ở dưới, thịt rau chèn lên trên. Tôi biến bữa ăn của bé thành những cuộc vui vô cùng thú vị. Chị em đừng chê nó rắc rối hay “rách việc”. Những chiêu của tôi hoàn toàn đơn giản và có thể làm được trong nháy mắt.
Chiêu 1: Xiên thức ăn lên
Trẻ con rất thích ăn những thứ được xiên vào que. Tôi phải thừa nhận rằng ý tưởng này của tôi là vô cùng công hiệu. Tôi chuẩn bị riêng một bát cơm cho con. Còn những thứ khác, nấu xong tôi sẽ xiên hết vào que. Không cần cầu kỳ, tôi lấy ngay những que tăm nhỏ xinh trong nhà. Một xiên tôi có thể xiên vào cả xúp lơ xào, cà rốt hấp, xen kẽ một miếng táo ngọt. Xiên thịt thì ngoài 2,3 miếng thịt lợn nướng, tôi kèm vào đó một viên cà chua bi và một ít pho mát.
Nhím rất thích thú khi nhìn thấy thức ăn kiểu mới và dù không khoái cà rốt hay cà chua cho lắm nhưng con bé đều cố gắng ăn hết sạch. Có lẽ do tâm lý của trẻ, tôi không hề phải nói ép con. Sau này, khi quen với kiểu ăn xiên, con bé còn thích tự bỏ những đồ trong xiên vào bát cơm và ăn kèm với cơm.
Gợi ý chị em một số món ăn có thể xiên được là: Hầu hết các loại củ (su hào, cà rốt, súp lơ, củ cải, cà chua…) và trái cây (chuối, dứa, dâu, táo, xoài, đu đủ…), ngoài ra còn có thịt (bò, gà, heo) viên nướng hoặc viên rim nước mắm, tôm rang, nấm xào, đậu phụ rán..
Chiêu 2: Bầy thức ăn thành tiệc buffet
Chị em đừng “hoảng” vì nghĩ tôi đang quá cầu kỳ. “Tiệc buffet” đối với trẻ nhỏ hóa ra lại vô cùng đơn giản. Tôi chỉ là lấy một cái khay nướng bánh của mình và để vào mỗi ô một loại thực phẩm thay vì cho tất cả chồng chất vào một bát cho con. Đến bữa ăn, tôi dọn ra cho Nhím một bát cơm trắng và một khay thực phẩm. Trong đó, gia đình ăn gì thì tôi sẽ lọc riêng ra đấy. Ví dụ một buổi trưa cả nhà ăn thịt viên sốt cà chua, rau muống luộc, ngô non nấm xào thịt bò thì tôi sẽ để tách ra thành 1 ô thịt viên, một ô rau luộc, một ô nấm, một ô ngô non và một ô thịt bò xào. Kèm theo đó là 1,2 ô hoa quả tráng miệng.
Tâm lý của người lớn khi đi ăn buffet bao giờ cũng là thích thử hết tất cả các món. Trẻ em cũng không ngoại lệ. Có thể ban đầu, bé sẽ chọn những món mình thích nhất để ăn và bỏ qua các món kia. Nhưng dần dà, trẻ cũng sẽ muốn “nếm thử” tất cả những món ăn trong từng khay.
Nếu gia đình không có khay nướng bánh, mẹ có thể mua khay đá nhựa loại to cho bé, vô cùng đơn giản.
Chiêu 3: Cho con chấm với những gì bé thích
Nhiều chị em cảm thấy vô cùng khó hiểu rằng tại sao trẻ lại thích ăn ketchup (sốt cà chua) ở các hàng gà rán, thức ăn nhanh đến vậy. Tôi cũng không hiểu. Vậy nhưng có vẻ đối với trẻ con, mọi thứ được chấm vào sốt cà chua đều trở nên ngon tuyệt vời. Như Nhím nhà tôi rất thích sốt cà chua và sốt kem, tôi luôn tận dụng 2 thứ này để khuyến khích con ăn.
Con không chịu ăn thịt? Tôi cho con chấm cùng ketchup: bé ăn hết sạch cả bát. Con không chịu ăn cà rốt luộc? Tôi cho con chấm cùng sốt kem: bé ăn hết sạch cả đĩa.
Cách cho con chấm với các loại nước chấm này theo tôi không hề có hại gì. Vì tính đi tình lại thì bé cũng đã ăn chừng đấy chất dinh dưỡng vào bụng thôi. Y như người lớn ăn rau cần có nước mắm.
Chiêu 4: Cuốn, cuốn và cuốn
Cũng như xiên, trẻ em thích cuốn. Thêm vào đó, trong những món cuốn, bé có thể đôi khi không rõ mình đã ăn những gì. Đây cũng là mẹo hay để tôi “giấu” các món bé không chịu ăn vào trong đó. Phở cuốn với giá xào và thịt bò, bánh tráng cuốn thịt heo, trứng thái sợi, dưa chuột hay bún cuốn tôm và đậu phụ rán… luôn là những gợi ý tuyệt vời./.