GiadinhNet - Năm 2013, tỷ lệ người trên 65 tuổi tại Việt Nam chiếm 7,3% dân số. Người cao tuổi ngày càng đông, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành y tế nói riêng và cả xã hội nói chung…
Có hơn một nửa NCT tại Việt Nam tự đánh giá là có tình trạng sức khỏe kém và rất kém. Ảnh: Võ Thu |
Những vấn đề này được đặt ra tại Hội thảo Định hướng chiến lược và mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) ở cộng đồng tại Việt Nam. Hội thảo do Bộ Y tế, Đại học Y Hà Nội, Đại học Umea (Thụy Điển) và Văn phòng Mạng lưới phát triển chính sách y tế dựa trên bằng chứng (EVIPNet) tổ chức trong hai ngày 19-20/11 tại Hà Nội.
Không thể có mô hình duy nhất cho mọi đối tượng NCT
Trên thế giới, cứ mỗi giây lại có một người tròn 60 tuổi. Tuổi thọ tăng cao là niềm tự hào của mỗi quốc gia, nhưng nó cũng kéo theo hàng loạt vấn đề phải giải quyết. Đánh giá tổng quan về sức khỏe NCT của Viện Chiến lược và chính sách Y tế (Bộ Y tế) cho thấy: Tại Việt Nam, hầu hết NCT trong diện điều tra của Viện đều có bệnh, trên 70% trong số họ mắc từ 2 bệnh trở lên, trung bình một NCT mắc 2,7 bệnh. Khoảng 53% NCT tự đánh giá là có tình trạng sức khỏe kém và rất kém.
Tại Hội thảo, GS.TS Lê Vũ Anh – Chủ tịch Hội Y tế công cộng Việt Nam cho biết, trong mô hình chăm sóc NCT trong các đơn vị công lập, hiện tại, NCT Việt Nam được hưởng các dịch vụ chăm sóc NCT qua hệ thống y tế (dành cho mọi NCT trên toàn quốc); Trung tâm Bảo trợ xã hội dành cho NCT (NCT theo các tiêu chuẩn đặc biệt NCT cô đơn, không nơi nương tựa cả nước); Trung tâm dịch vụ chăm sóc người lớn tuổi tại Đà Nẵng (mọi NCT có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận)… Đồng thời, ông cũng chỉ ra những điểm mạnh, cơ hội, điểm yếu và thách thức trong các mô hình này.
Ví dụ với mức độ bao phủ rộng, đối tượng lớn, mô hình công lập có cơ hội tiếp cận rộng rãi, không hạn chế và đem cơ hội đến cho mọi người. Tuy nhiên, mô hình này cũng có hạn chế khi tính hệ thống, đáp ứng nhu cầu chưa cao; nếu muốn sử dụng dịch vụ theo yêu cầu thì chi phí quá cao. Đối tượng hỗn hợp, cơ chế quản lý bao cấp và dịch vụ không hấp dẫn khách hàng.
“Không thể có một mô hình chung cho mọi đối tượng NCT bởi mỗi đối tượng có một cách tiếp cận khác nhau. Từng mô hình phải được thay đổi cho phù hợp với văn hóa từng địa phương”, GS Vũ Anh nêu khuyến nghị.
Đề cập đến vấn đề hệ thống chăm sóc NCT tại các bệnh viện, TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) dẫn lời GS Phạm Thắng – Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho rằng, dù theo quy định của Thông tư 35/2011/TT-BYT, ngoại trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, tất cả các bệnh viện khác phải có khoa lão hoặc dành một số giường để phục vụ cho NCT, tổ chức buồng khám bệnh riêng cho NCT tại khoa khám bệnh. Qua kiểm tra thực tế, có nhiều tỉnh hiện chưa thành lập khoa lão tuyến tỉnh nhưng có dành số giường cho bệnh nhân già và họ phải nằm rải rác khắp các khoa. Số liệu do PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, sau 10 năm triển khai Thông tư 23 của Bộ Y tế về việc đề nghị tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh thành lập khoa lão, mới có trên 28/63 tỉnh thành lập, nhiều bệnh viện chưa vận động triển khai khoa lão. Tình trạng cũng tương tự với bệnh viện tuyến huyện, khi các bệnh nhân cao tuổi phải nằm “trộn lẫn” tại các khoa khác.
Sẽ có Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe NCT
Về các giải pháp, chính sách nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe NCT, PGS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, phải tăng cường sức khỏe và phòng bệnh cho NCT, tăng cường năng lực quốc gia về chăm sóc sức khỏe NCT, cần thành lập các bệnh viện chuyên lão khoa. Cần thiết thành lập khoa lão khoa tại các bệnh viện (trừ bệnh viện nhi). Theo quy hoạch phát triển của Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã được Bộ Y tế phê duyệt thì đến năm 2015 sẽ xây dựng Bệnh viện Lão khoa Trung ương cơ sở 2 với quy mô 500 giường bệnh. Tiếp đến sẽ thành lập Bệnh viện Lão khoa tại TP HCM và Đà Nẵng. “Tới đây, chúng tôi đề xuất với lãnh đạo Bộ Y tế về chức năng rất quan trọng của hệ thống bác sĩ gia đình là quản lý sức khỏe NCT ở cộng đồng. Tại các nước phát triển (Anh, Bỉ…), 90% các bệnh của NCT có thể giải quyết ở tuyến cơ sở và bác sĩ gia đình, số còn lại mới chuyển lên tuyến trung ương”, PGS Lương Ngọc Khuê cho biết.
Một mô hình nữa rất hiệu quả được Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đề cập là xây dựng bệnh viện ban ngày (không có giường nội trú, bệnh nhân đến trong ngày, buổi tối về nhà); xây dựng hệ thống nhà dưỡng lão với 3 loại chính là: Nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế (24/24 giờ); nhà dưỡng lão cho đối tượng đặc biệt (ví dụ bệnh nhân Alzheimer); nhà dưỡng lão cho NCT tương đối khỏe mạnh… Ngoài ra, giải pháp quan trọng nữa là đào tạo nguồn nhân lực thầy thuốc, nhân viên y tế chuyên ngành lão khoa, đảm bảo an sinh xã hội cho NCT…
GS.TS Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho hay, thời gian tới, sẽ thành lập Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe NCT ở cộng đồng do Bộ Y tế và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng chủ trì. Theo đó, đầu năm 2014, sẽ thành lập Ban chỉ đạo liên ngành; đến tháng 6/2014, sẽ xây dựng Chiến lược phát triển và tới tháng 12/2014, sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển chăm sóc sức khỏe NCT ở cộng đồng tại Việt Nam.
Một điều rất quan trọng được các đại biểu nhấn mạnh là phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, coi NCT là tài sản quý báu của dân tộc, cần phát huy, chăm sóc vốn quý này, thay vì suy nghĩ NCT là gánh nặng của xã hội.
“Với ngành dân số, trong những
năm qua, Tổng cục DS-KHHGĐ đã tổ chức triển khai Đề án Tư vấn, chăm sóc NCT
dựa vào cộng đồng và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang
“dân số già” của nước ta là từ 16-18 năm. Ngành dân số sẽ điều chỉnh các
chính sách về mức sinh hợp lý, nâng cao chất lượng dân số nhằm làm chậm quá
trình lão hóa của mỗi con người và toàn xã hội Việt Nam trong tương lai, để
quá trình chuyển đổi sang “dân số già” sẽ không phải từ 16-18 năm nữa”.
TS Dương Quốc Trọng
(Tổng cục trưởng Tổng
cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế)
|
Thu Nguyên ( nguồn: http://giadinh.net.vn)