[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , , Mang thai tuổi dưới 18: Những con số giật mình

Mang thai tuổi dưới 18: Những con số giật mình



Quỹ Dân số Liên Hợp quốc vừa công bố một số liệu đáng giật mình, hàng năm có đến 7,3 triệu em gái sinh con trước khi tròn 18 tuổi.

Mang thai ở tuổi vị thành niên (VTN), làm mẹ khi chưa trưởng thành đang đặt ra thách thức không nhỏ trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, theo bác sĩ Nguyễn Đức Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, hiện tỷ lệ nữ VTN có thai trên tổng số ca có thai của toàn quốc là 3,2% (tăng 0,1% so với năm 2011); tỷ lệ có con trong nhóm dân số VTN là 46/1.000 người. Tỷ lệ này cao hơn ở các nhóm dân số có trình độ học vấn thấp, mức sống thấp, các nhóm dân tộc thiểu số. Tại BV Phụ sản T.Ư, trong các năm gần đây nạn phá thai VTN chiếm khoảng 5% tổng số phá thai tại BV. Còn tại 3 cơ sở y tế khác ở TP Hồ Chí Minh (gồm BV Từ Dũ, BV Hùng Vương và Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản), tỷ lệ này là 5,81%.

Các nữ sinh cần phải được tư vấn về sức khỏe tình dục 
để tránh trường hợp có thai ngoài ý muốn (Ảnh minh họa)

Lý do mang thai ngoài ý muốn ở trẻ VTN đa phần do thiếu hiểu biết, tò mò và đa số rơi vào những trường hợp bố mẹ thiếu quan tâm đến con cái, dẫn đến việc những buổi đến chơi, thậm chí là "học nhóm" trở thành những buổi "thử trái cấm". Do thiếu hiểu biết, nhiều em gái không biết là mình đã mang thai, hoặc biết thì quá sợ hãi không dám nói ra nên khi bố mẹ phát giác, thai đã quá to, phải can thiệp phá thai to cực kỳ nguy hiểm.

Các chuyên gia khuyến cáo, độ tuổi làm mẹ tốt nhất ở phụ nữ là 22 - 33 tuổi. Ở độ tuổi này, phụ nữ có khả năng sinh sản tốt, vững vàng về kiến thức, định hình về tính cách, ổn định tâm lý, tự tin vào bản thân và độc lập về tài chính. Hiện 1/3 dân số Việt Nam dưới 24 tuổi và Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng. Đầu tư vào sức khỏe thanh niên và VTN sẽ đặt nền tảng vững chắc cho giai đoạn chuyển đổi của họ sang tuổi trưởng thành, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của Việt Nam. Do vậy, theo ông Nguyễn Đức Vinh, công tác này thành công cần có sự vào cuộc của nhiều tổ chức, ban ngành, đoàn thể và chính quyền như đoàn thanh niên, hội phụ nữ… "Đặc biệt, sự quan tâm hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô giáo và bản thân VTN trong việc tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe là vô cùng quan trọng" -ông Vinh nói.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các trường học cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, cung cấp thông tin cụ thể về những vấn đề của lứa tuổi mới lớn như tình yêu, tình dục, kế hoạch hóa gia đình, hôn nhân... Và như vậy, các bạn trẻ sẽ được trang bị kiến thức, hiểu biết đầy đủ về sức khỏe sinh sản nhằm giảm bớt nguy cơ dẫn đến hậu quả đáng tiếc khó lường cho thế hệ tương lai.